|
Sông Cầu có dòng chính bắt nguồn từ phía Nam đỉnh Phia Biooc của dãy Văn On thuộc địa phận xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Là địa phương có diện tích đồi núi chiếm trên 90% diện tích tự nhiên, địa hình lại cao và dốc, chia cắt phức tạp, dân cư và đất nông nghiệp phân bố dọc thung lũng ven sông, nếu không có rừng che phủ thì tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất dễ xảy ra. Tỉnh Bắc Kạn đã coi việc trồng rừng không chỉ để chở che, bảo vệ nguồn nước cho lưu vực sông Cầu, mà còn che chở, bảo vệ nguồn sống, đời sống của người dân.
Nhưng để phủ xanh và cải thiện được chất lượng rừng, là điều không đơn giản. Bởi rừng Bắc Kạn chủ yếu là rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng trồng thuần loại và phân bố không tập trung. Bắc Kạn là lại tỉnh nghèo, không chủ động được nguồn tài chính phát triển rừng. Do đó khi có những dự án trồng rừng của Nhà nước như dự án 327 phủ xanh đất trống đồi trọc, dự án PAM 5322, dự án 661 (chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng), các dự án lâm nghiệp Việt Nam - Phần Lan, dự án EU (phát triển nông thôn miền núi), Bắc Kạn đều hào hứngđón nhận và triển khai khẩn trương.
Có thể nói, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng đã tạo thêm lợi thế cho việc trồng rừng đầu nguồn sông Cầu. 96 xã thuộc 7 huyện đều được triển khai kế hoạch trồng rừng theo kế hoạch phê duyệt hàng năm của UBND tỉnh. Cùng với việc thành lập Ban Quản lý dự án cấp tỉnh do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng ban; Ban Quản lý cấp cơ sở (cấp huyện) do Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, Bắc Kạn còn thực hiện tốt việc kiểm tra,, giám sát, đánh giá chất lượng dự án. Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Kạn đã giám sát, đánh giá kết quả thực hiện dự ántừ năm 2006 - 2008, chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế ở cấp chính quyền trong quá trình thực hiện dự án, những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện hiệu quả dự án trồng 5 triệu ha rừng tại địa phương. Nhờ thế, từ năm 2006 tới nay, Bắc Kạn trồng mới được khoảng 13.395 ha rừng sản xuất (đạt 113% kế hoạch) và 4.423 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Cùng với việc tổ chức trồng rừng, Bắc Kạn chú trọng tới công tác khoanh nuôi phục hồi rừng, nhất là khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên đã được giao cho các hộ gia đình bảo vệ. Cây rừng trong diện tích giao khoán bảo vệ, giao khoán khoanh nuôi sinh trưởng, phát triển khá tốt. Nhiều loài cây có giá trị đã xuất hiện trong tổ thành loài, hệ sinh thái rừng được ổn định. Đến nay, đã phục hồi được 36.500 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 53% (2005) lên 66,2% (2009), tăng khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, giảm nhẹ thiên tai, điều hòa nguồn nước và khí hậu.
Trên 10.000 người tham gia dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã có việc làm, thu nhập ổn định, giảm đói nghèo, hạn chế tác động tiêu cực đối với rừng. Việc trồng rừng còn nâng cao hiệu quả sử dụng đất đồi núi; đồng thời đáp ứng được nhu cầu về lâm sản và chất đốt cho cộng đồng, cung cấp nguyên liệu chế biến lâm sản, tăng giá trị hàng hóa trong tỉnh. Đặc biệt, nhờ phát triển trồng rừng, đường giao thông liên thôn trong vùng dự án được mở mang, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển lâm sản, cải thiện cuộc sống và nâng cao dân trí cho người dân. Màu xanh cây rừng đầu nguồn sông Cầu đang gắn liền với đời sống người dân trên lưu vực.
Thao Lan