In bài viết

Rút BHXH một lần: Được trước mắt, thiệt lâu dài

(Chinhphu.vn) - Thông tin từ Tổng cục Thống kê (TCTK), trong quý I/2022, hơn 200.000 lượt người đã rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

15/04/2022 15:46
Rút bảo hiểm xã hội một lần: Được trước mắt, thiệt lâu dài - Ảnh 1.

Khuyến nghị của BHXH Việt Nam

Trong đó, TPHCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ, khiến cơ quan BHXH tại một số quận quá tải.

Lý giải nguyên nhân số lượt rút BHXH một lần tăng từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Huy Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (TCTK) cho biết, từ quý III/2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dòng di biến động dân cư tại một số tỉnh Đông Nam Bộ diễn ra, doanh nghiệp và người lao động đều rất khó khăn. Thu nhập của người lao động sụt giảm trầm trọng, nhiều người trở về quê và sử dụng hết số tiền tích lũy.

Sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cuộc sống chuyển sang trạng thái "bình thường mới", hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu hồi phục, người lao động trở dần trở lại với công việc.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước từ đầu năm đến nay là 51,2 triệu người, tăng hơn 441.000 người so với quý trước. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2022 là 68,1%. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả gia khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 200.000 người. Lao động có việc làm ghi nhận mức tăng ở cả khối doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Minh, dù thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I đạt 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước, nhưng vẫn chưa thể bằng thời điểm chưa có dịch. Thêm vào đó, 3 tháng đầu năm, bao gồm cả đợt nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu chi tiêu của người lao động tăng so với thời điểm trước đó. Một số người đã dùng hết khoản tích lũy, cần tiền để trang trải, giải quyết khó khăn trước mắt.

"Việc rút BHXH một lần giải quyết được bài toán trước mắt, nhưng người lao động lại mất nhiều lợi ích về sau. Bởi nguồn BHXH như một quỹ, một khoản đầu tư lâu dài của người lao động, đặc biệt là sau khi về hưu, hết tuổi lao động hay không còn khả năng lao động", ông Huy nhấn mạnh.

Trường hợp đã rút BHXH một lần thì người lao động sẽ không được tiếp tục đóng BHXH. Như vậy, tính về lâu dài, thực trạng này rất đáng lo ngại. Người lao động sẽ bị cắt quyền được hưởng các chế độ về hưu trí, y tế... ảnh hướng trực tiếp đến hệ thống an sinh, đặc biệt trong bối cảnh dân số nước ta bắt đầu già hóa.

Bàn về giải pháp, lãnh đạo TCTK cho rằng đây là một bài toán khó. Điều quan trọng nhất là nhận thức của người lao động, cần tăng cường tuyên truyền để họ hiểu và cân nhắc đến lợi tích lâu dài, tính an sinh bền vững mà nguồn BHXH đem lại.

Trước tình trạng rút BHXH một lần có xu hướng tăng, ngày 12/4, BHXH Việt Nam đã tiếp tục khuyến nghị người lao động nên xem xét kỹ lưỡng. Theo đó, số tiền người lao động được nhận khi rút một lần ít hơn so với số tiền đóng vào Quỹ BHXH. 

Theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng BHXH là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%; tổng mức đóng vào Quỹ BHXH bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.

Minh Ngọc