Thực hiện thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe cáo cáo về công tác đăng kiểm phương tiện giao thông và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tình hình hiện nay, Bộ GTVT đã khẩn trương rà soát các quy định hiện hành về kiểm định xe cơ giới, cập nhật kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tình hình thực tế ùn tắc trong công tác kiểm định xe cơ giới hiện nay và thấy rằng cần điều chỉnh một số quy định trong Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Để quy định nhanh chóng đi vào thực tế, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT theo trình tự, thủ tục rút gọn là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết “Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn”.
Thực hiện Khoản 3 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành thông tư nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn để đảm bảo giải quyết vấn đề cấp cách phát sinh trong thực tiễn hiện nay. Thời gian ban hành trong tháng 3 này.
Các nội dung chính dự kiến sửa đổi gồm: Miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng (có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định) và điều chỉnh chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông.
Việc sửa đổi, bổ sung này được xây dựng trên cơ sở thống kê, đánh giá từ cơ sở dữ liệu kiểm định, cập nhật kinh nghiệm chu kỳ kiểm định quốc tế, đồng thời nhằm giảm tải nhu cầu kiểm định xe cơ giới, giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình kiểm định.
Ủng hộ việc điều chỉnh chu kỳ đăng kiểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay, các nhà sản xuất ô tô đều rất quan tâm đến chất lượng phương tiện, đặc biệt những trang bị an toàn, hệ thống kỹ thuật. Chất lượng ô tô ngày càng được nâng cao trong khi kinh tế-xã hội phát triển, việc quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô của người dân cũng tăng lên, do đó, việc điều chỉnh chu kỳ theo hướng giãn ra là phù hợp. Tuy nhiên, cần tính toán hợp lý khi điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với các xe kinh doanh vận tải, bởi các phương tiện này hoạt động với cường độ cao, tần suất lớn và ít được quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa hơn so với các xe gia đình.
Phan Trang