Ông Bắc có đề nghị cán bộ tư pháp xã hỗ trợ làm lại Giấy khai sinh và được yêu cầu cung cấp bằng chứng, thông tin chứng minh vào thời điểm trước năm 2000 (trước thời điểm sinh của ông), tên mẹ ông là Phạm Thanh Nhã chứ không phải Phạm Thị Nhã. Nhưng do tới năm 2004, mẹ ông mới làm Chứng minh nhân dân lần 1, lúc này là Phạm Thanh Nhã.
Trong quá trình trên, tư pháp xã có hỗ trợ tìm kiếm thông tin tên mẹ ông trước năm 2000, có Giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ ông (1995), Giấy khai sinh của anh trai ông (1996) thì những giấy tờ trên đều mang tên Phạm Thị Nhã. Tuy nhiên, do mẹ ông mới làm lại Giấy khai sinh vào năm 2018 nên giấy tờ trên không được phía xã chấp thuận.
Ông Bắc hỏi, trường hợp của ông phải làm lại Giấy khai sinh hay chỉ cần cải chính thông tin, và nếu làm thì ông phải đến cơ quan nào?
Về vấn đề này, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ trả lời như sau:
Theo nội dung đơn của ông Nguyễn Xuân Bắc thì hiện nay phần ghi thông tin về mẹ đẻ ông trong Giấy khai sinh của ông không thống nhất với Giấy khai sinh (đăng ký lại) và Chứng minh nhân dân của mẹ đẻ ông. Tuy nhiên, do ông không nêu hiện tại ông đang còn lưu giữ Giấy khai sinh (bản chính) hay Giấy khai sinh (bản sao) nên Sở Tư pháp trả lời ông 2 trường hợp giải quyết như sau:
- Trường hợp ông đã bị mất Giấy khai sinh (bản chính) và hiện nay UBND xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê không còn lưu trữ được Sổ đăng ký khai sinh năm 2000 thì ông đủ điều kiện thực hiện thủ tục đăng ký lại khai sinh theo quy định tại Khoản 1, Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch; thẩm quyền giải quyết thuộc UBND cấp xã theo quy định tại Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
- Trường hợp Giấy khai sinh (bản chính) của ông vẫn còn hoặc Sổ đăng ký khai sinh năm 2000 vẫn được UBND xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê lưu giữ và Giấy khai sinh (đăng ký lại) số 97 do UBND xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đăng ký ngày 23/9/2019 của mẹ đẻ ông là hợp lệ thì ông đủ điều kiện thực hiện thủ tục cải chính hộ tịch (cải chính thông tin về người mẹ trong Giấy khai sinh của con) theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; thẩm quyền giải quyết thuộc UBND cấp huyện theo quy định tại Khoản 3, Điều 46 Luật Hộ tịch.
Tuy nhiên, đề nghị ông lưu ý, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 17 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì việc cải chính hộ tịch chỉ được thực hiện sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác; sai sót khi đăng ký hộ tịch là sai sót do người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch. Việc xác định sai sót sẽ căn cứ vào giấy tờ, hộ sơ và quá trình kiểm tra, xác minh của cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch tại địa phương.
Chinhphu.vn