In bài viết

Sân bay Long Thành: Về lâu dài cần phải làm

(Chinhphu.vn) – Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu vận chuyển 40-50 triệu hành khách/năm vào giai đoạn 2020-2030 là điều khó thực hiện. Vì vậy, về lâu dài việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã trở nên cần thiết cho nhu cầu vận chuyển của ngành Hàng không Việt Nam.

16/10/2014 13:18
TS Trần Du Lịch. Ảnh: VGP/Thanh Thủy

TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xung quanh việc có cần thiết để đầu tư cho dự  án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (HKQTLT) và triển khai vào thời điểm nào?

Xung quanh việc có cần thiết để đầu tư cho dự án xây dựng Cảng HKQTLT đã được Chính phủ trình lên Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, ông có thể phân tích về lợi ích lâu dài của việc đầu tư dự án này? 

TS. Trần Du Lịch: Dự án xây dựng Cảng HKQTLT, tỉnh Đồng Nai đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo thẩm quyền của Quốc hội. Cho đến nay dự án chưa gửi đến các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, nên tôi chưa có điều kiện để nghiên cứu cụ thể. Chắc chắn khi nhận được dự án trình ra kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, tôi sẽ có trách nhiệm phát biểu chính kiến của mình tại Quốc hội. Tuy nhiên, qua ý kiến thẩm định của Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội và qua dư luận của cử tri phản ánh đến tôi, cùng với những thông tin (còn rất hạn chế) mà bản thân tìm hiểu được, tôi chưa thể trả lời ngay là nên hay không nên xây dựng vào thời điểm này, mà trước đó cần phải làm rõ những vấn đề sau.

Thứ nhất, thực tế hiện nay Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (HKQTTSN) đang thực sự quá tải. Giải quyết tình trạng quá tải này đang là vấn đề bức xúc của ngành Giao thông cũng như của cả xã hội. Về lâu dài, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (một địa bàn kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng cao), chắc chắn phải có thêm một cảng hàng không quốc tế thứ hai mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không.

Đây cũng là sự phát triển bình thường như các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á (Seoul, Tokyo). Trong khi đó, Cảng HKQTTSN lại nằm trọn trong nội thành của TPHCM, tại những quận (Tân  Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận) nơi có mật độ dân cư dày đặc nên bị giới hạn trong việc mở rộng phục vụ cho sự phát triển lâu dài cho 20-30 năm sau của vùng kinh tế động lực phía Nam. Như vậy việc xây dựng thêm Cảng HKQTLT là cần thiết, nhưng xây dựng từ lúc nào là điều cần tính toán kỹ hơn.

Thứ hai, theo thông tin mà tôi biết được, với 2 đường băng cất hạ cánh hiện nay của cảng HKQTTSN có khoảng cách hẹp, không đủ an toàn để máy bay cùng lúc cất cánh và hạ cánh (mà phải có độ lệch thời gian). Vì vậy, nếu muốn nâng công suất của cảng phải xây thêm đường băng thứ 3, mà phương án này là bất khả thi, vì không thể giải tỏa hàng chục ngàn căn nhà hiện hữu.

Như vậy vấn đề là ở chỗ, với 2 đường băng hiện hữu của Cảng HKQTTSN, để có thể tiếp nhận khoảng 35- 40 triệu hành khách/ năm trong thời gian tới thì việc mở thêm đường băng, mở rộng nhà ga, sân đậu có thể thực hiện được không? Đây là vấn đề mà tôi không đủ thông tin để đánh giá, nên muốn được làm rõ. Trong trường hợp có thể mở rộng Tân Sơn Nhất thì có thể lùi tiến độ xây dựng Cảng HKQTLT ít ra 10 năm nữa mới phải thực hiện (khi đó điều kiện kinh tế đất nước thuận lợi hơn).

Nhiều ý kiến cho rằng, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không trong thời gian tới, việc mở rộng Cảng HKQTTSN gặp phải nhiều khó khăn do hệ thống giao thông đường bộ không đủ sức đáp ứng cũng như tình trạng ùn tắc bầu trời TPHCM. Trong khi đó, có đến 4-5 hệ thống đường bộ, đường sắt quốc gia sẽ tạo điều kiện cho Cảng HKQTLT sau khi được hoàn thành, xin TS phân tích thêm về vấn đề này?

TS Trần Du Lịch: Như tôi đã nêu trên, nếu không phải giải tỏa hàng chục ngàn nhà dân để mở thêm đường băng thứ 3, mà sử dụng 2 đường băng hiện có liệu có thể nâng công suất sử dụng của Cảng HKQTTSN lên gấp rưỡi hiện nay không? Đây là mấu chốt của vấn đế đối với Cảng HKQTTSN.

Còn việc xây dựng thêm Cảng HKQTLT thì về lâu dài phải làm. Tôi không phản đối việc quy hoạch xây dựng Cảng HKQTLT và lâu dài Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có 2 cảng hàng không quốc tế phù hợp với vị trí vai trò của nó đối với cả nước, khu vực Đông Nam Á và nhu cầu vận chuyển hàng không của vùng này.

Vấn đề nguồn vốn vay, vốn từ ngân sách cho dự án này có gây áp lực lớn đến nợ công của đất nước, giải quyết nguồn vốn cho dự án theo phướng án nào, thưa TS?

TS Trần Du Lịch: Trước hết phải nói là vấn đề nợ công của nước ta hiện nay, như nhiều lần tôi đã phát biểu, đang tiệm cận đến mức báo động rồi. Do đó, việc đầu tư công cần phải tính toán và tuân thủ triệt để nguyên tắc “phí tổn cơ hội” và tính đồng bộ để lựa chọn dự án. Xây dựng cảng hàng không là đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, là điều kiện để phát triển, nên vai trò của Nhà nước phải là chủ đạo, chứ không phải chuyện của thị trường. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế cơ cấu về giao thông của nước ta hiện nay rất méo mó, vừa thiếu, vừa thừa, vừa lãng phí... mà dư luận nhân dân rất bức xúc, nên phải thực hiện chủ trương ưu tiên tái cơ cấu đầu tư công.

Trở lại dự án Cảng HKQTLT, nếu quyết định xây dựng vào thời điểm này với kinh phí gần 8 tỷ USD thì không thể không tăng nợ công, dù doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư. Do đó, về phương thức đầu tư, nên đi theo hướng PPP (công-tư đối tác).

Sau khi triển khai Cảng HKQTLT, lúc đó Cảng HKQTTSN sẽ giải quyết như thế nào?

TS Trần Du Lịch: Lúc đó, Tân Sơn Nhất và Long Thành cũng như sân bay Haneda và Narita của Tokyo thôi. Cùng tồn tại hoạt động và bổ sung cho nhau. Mối quan hệ giữa Tân Sơn Nhất và Long Thành trong tương lai cũng như trong lĩnh vực cảng biển của cụm cảng số 5, có cảng Cát Lái, Hiệp Phước và có cảng Cái Mép, Thị Vải…

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Thủy (thực hiện)