![]() |
Đĩa gốm với 1.000 chữ "long" được viết theo thể thư pháp - Ảnh Chinhphu.vn |
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trợ lý Giám đốc Xí nghiệp gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) cho biết, gốm Chu Đậu là một trong những dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam, phát triển rực rỡ trong suốt thời Lý - Trần - Lê - Mạc.
Thời phong kiến, gốm Chu Đậu đã nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. Thậm chí, nhiều nhà buôn nước ngoài cũng tìm đến Hải Dương để mua các sản phẩm gốm Chu Đậu.
Năm 1593, do chiến tranh Trịnh - Mạc xảy ra đã tàn phá vùng Nam Sách, Hải Dương. Theo đó, gốm Chu Đậu bị phá hủy nặng nề và thất truyền kể từ ngày đó.
Từ năm 1980, các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ của Việt Nam đã tiến hành 6 đợt khai quật ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương (vùng gốm cổ Chu Đậu ngày xưa) tìm thấy hàng vạn hiện vật bằng gốm dười lòng đất.
Năm 1992, phát hiện 5 con tàu cổ đắm dưới đáy biển Việt Nam thuộc khu vực Cù Lao Chàm, Hòn Dầm, Hòn Cau của tỉnh Bình Thuận và Cà Mau. Riêng con tàu đắm ở Cù Lao Chàm đã trục vớt được hơn 40 vạn hiện vật chủ yếu là gốm Chu Đậu.
![]() |
Chiếc bình gốm Chu Đậu độc đáo - Ảnh Chinhphu.vn |
Đến năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã xây dựng Xí nghiệp sản xuất gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương) với mong muốn làm hồi sinh và phát triển một dòng gốm cổ Việt Nam, sau hơn 500 năm thất truyền.
Từ năm 2003, Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã xuất được sản phẩm ra thị trường thế giới. Đến nay, các mặt hàng gốm Chu Đậu đã được bầy bán trong các gian hàng của hơn 20 nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Bồ Đào Nha…
Gốm Chu Đậu hiện đang được trân trọng lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên thế giới. Trong một phiên đấu giá tại nước Mỹ, chiếc bình gốm Tỳ Bà cổ Chu Đậu cao 24 cm đã được bán với giá hơn nửa triệu USD. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một bình hoa lam cổ Chu Đậu được mua bảo hiểm lên đến hàng triệu đô la Mỹ.
Hướng đến đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã làm ra nhiều sản phẩm hết sức độc đáo và đặc sắc, nổi bật hơn cả là chiếc đĩa gốm có bán kính là 1,5 mét, được coi là đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Trên chiếc đĩa có trình bày 1.000 chữ “long”, trong đó chữ “long” ở giữa chiếc đĩa có kích thước lớn nhất, tượng trưng cho lịch sử 1000 năm của mảnh đất Thăng Long văn hiến.
![]() |
Công nhân đang làm việc tại Xí nghiệp gốm Chu Đậu - Ảnh Chinhphu.vn |
Mỗi chữ có một kiểu dáng khác nhau, nét đậm nhạt khác nhau, không chữ nào giống chữ nào, tạo nên một bức tranh bằng chữ hết sức tinh sảo, kỳ thú. Một nghìn chữ “long” được viết bằng các thể thư pháp truyền thống là Triện, Lệ, Khảo, Thảo, Hành cùng với hai thể thư pháp mới là Nhân diện và Vật điểu.
Tất cả các chữ long được nhà thư pháp Lê Thiên Lý trình bày một cách uyển chuyển, có chữ mảnh mai nhẹ nhàng, có chữ khỏe khoắn đầy sinh lực. Đặc biệt, ở thể Thư pháp Nhân diện (chữ là người) chữ “long” thể hiện nhiều hình dáng khác nhau có khi là hình ảnh những anh dũng tướng bảo vệ thành Thăng Long, có khi là hình ảnh anh lính hải quân với biển khơi lộng gió hay là hình chàng trai, cô gái Hà Thành thanh lịch…
“Với những sản phẩm độc đáo, đặc sắc, chúng tôi mong muốn đóng góp công sức vào ngày hội lớn của cả dân tộc, đồng thời để tri ân các bậc tiền nhân đã làm nên dòng gốm cổ Chu Đậu”, ông Bình nói.
Cùng với chiếc đĩa gốm trên, Xí nghiệp gốm Chu Đậu còn làm chiếc lộc bình đặc biệt cao 1,8 m để mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã được Ban tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội lựa chọn gắn biển: “Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.
Nguyễn Thắng