Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhìn nhận tiềm năng sản xuất và nâng giá trị quả vải cho tỉnh Bắc Giang còn rất lớn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết niên vụ vải thiều 2025 được đánh giá trúng mùa với sản lượng dự kiến 303.000 tấn, tăng 30% so với năm 2024, nhờ thời tiết thuận lợi và kiểm soát tốt sâu bệnh.
Riêng tại Bắc Giang, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết diện vải thiều toàn tỉnh là 29.700 ha, sản lượng 165.000 tấn, trong đó: diện tích vải sớm 8.000 ha, chiếm 27%, sản lượng 60.650 tấn; vải chính vụ 21.700 ha, chiếm 73%, sản lượng 104.350 tấn.
Diện tích sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 16.000 ha, sản lượng 116.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP duy trì diện tích 153 ha đã được cấp chứng nhận. Đồng thời, thực hiện cấp chứng nhận mới 20 ha nâng tổng số lên 173 ha, sản lượng 1.400 tấn; sản xuất vải hữu cơ quy mô 10 ha tại huyện Lục Ngạn.
Tỉnh thực hiện quản lý, chỉ đạo sản xuất tốt đối với 238 mã số vùng trồng, diện tích trên 17,4 nghìn ha phục vụ xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, 127 mã, diện tích gần 16,2 nghìn ha, sản lượng 110 nghìn tấn.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đối với các thị trường yêu cầu cao như Hoa Kỳ, tỉnh Băc Giang có 18 mã số vùng trồng, diện tích gần 216 ha, sản lượng 2.500 tấn; thị trường Úc, 29 mã số vùng trồng, diện tích trên 386 ha, sản lượng 3.000 tấn; thị trường Thái Lan 25 mã số vùng trồng, diện tích trên 290 ha, sản lượng 2.000 tấn; thị trường Nhật Bản 39 mã số vùng trồng, diện tích gần 327 ha, sản lượng 3.500 tấn.
Về cơ sở đóng gói, toàn tỉnh có 37 cơ sở đóng gói đảm bảo đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại các huyện như Lục Ngạn 33 cơ sở, Lục Nam 1 cơ sở, Tân Yên 1 cơ sở, Yên Thế 1 cơ sở và thành phố Bắc Giang 1 cơ sở. Duy trì 1 cơ sở xông hơi, khử trùng, đóng gói tại tỉnh Bắc Giang, liên kết với 3 cơ sở xông hơi, khử trùng ngoài tỉnh đảm bảo phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chiếu xạ phục vụ xuất khẩu sang thị trường Australia, Mỹ.
Năm 2025, dự báo thời tiết thuận lợi, tình hình ra hoa vải thiều được đảm bảo, trà vải thiều sớm đang bước vào thời điểm nở hoa, tỷ lệ ra hoa dự kiến đạt trên 90%; vải thiều chính vụ đang trong giai đoạn phát triển mầm hoa, tỷ lệ ra hoa dự kiến đạt trên 85%.
Ghi nhận các ý kiến của địa phương và doanh nghiệp tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết Bộ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, kiểm soát quy hoạch sản xuất, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, kết hợp tăng cường dự báo để điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tập trung vào sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, và các sản phẩm có cạnh tranh cao.
Thứ ba, đầu tư vào chế biến sâu và năng lực tạm trữ, giúp giải quyết tình trạng dư thừa trong mùa vụ khi thị trường trong nước và quốc tế chưa cân đối.
Thứ tư, tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Nam Mỹ, Châu Phi, Trung Đông, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để quảng bá thương hiệu và giảm phụ thuộc vào một số thị trường như Hoa Kỳ. "Cuối cùng, chúng tôi tham mưu cho Chính phủ đàm phán các hiệp định thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế quan và kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nông dân trồng vải Bắc Giang chia sẻ những kỳ vọng mới về mở rộng diện tích trồng vải chất lượng cao với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết từ nay đến cuối vụ, cần theo dõi sâu đục cuống quả và ứng phó nắng nóng để bảo vệ năng suất. Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phía Bắc đã cử cán bộ hỗ trợ các vùng trồng, đảm bảo vụ mùa thành công.
Thời gian thu hoạch vải thiều ngắn, từ 20/05 đến 25/07, chia thành hai giai đoạn: vải sớm (20/05-10/06) và chính vụ (10/06-25/07). Công tác chuẩn bị thu hoạch, chế biến và tiêu thụ được triển khai sớm. Về chất lượng, các địa phương đã giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra dư lượng và kim loại nặng trên quả vải.
Về chế biến, vải chủ yếu tiêu thụ tươi, chỉ 3% sản lượng chế biến công nghiệp (nước ép, đông lạnh, đóng hộp), phần lớn sấy khô. Các cơ sở chế biến đã sẵn sàng hoạt động. Từ tháng 4/2025, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với cơ quan kiểm dịch các nước, phê duyệt 6 cơ sở xử lý vải tươi (3 chiếu xạ, 3 xông hơi khử trùng) xuất khẩu sang thị trường khó tính. Đáng chú ý, Nhật Bản ủy quyền Việt Nam giám sát xử lý lô hàng xuất khẩu, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.
Kế hoạch tiêu thụ niên vụ 2025 dự kiến 60% sản lượng (181.800 tấn) tiêu thụ nội địa qua chợ đầu mối, siêu thị, và 40% (121.200 tấn) xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc (chiếm 90%). Các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, ký kết thỏa thuận với doanh nghiệp, hợp tác xã, và các đơn vị vận chuyển, thương mại điện tử.
Tuy nhiên, thời gian thu hoạch ngắn gây áp lực bảo quản, vận chuyển, trong khi chi phí logistics cao, công nghệ chế biến sâu hạn chế, và rào cản kiểm dịch từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản vẫn là thách thức. Bắc Giang đã tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ, thúc đẩy hợp tác để đảm bảo đầu ra ổn định cho vải thiều.
Đỗ Hương