Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến với 8 địa phương về công tác ứng phó bão số 7 và nhận định tình hình thời tiết trong 10 ngày tới. |
Nguy cơ “bão chồng bão”
Chiều 9/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 8 tỉnh, thành phố về công tác ứng phó với bão số 7 (LIONROCK) và nhận định tình hình thời tiết trong 10 ngày tới.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 7 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền. Mặc dù bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên biển, nhưng mưa lớn sẽ còn xuất hiện ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Đặc biệt, dự báo đến khoảng ngày 11-12/10, trên Biển Đông lại xuất hiện bão số 8. Đến ngày 16-17/10, Biển Đông có khả năng lại xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới/bão số 9. Đồng thời, một bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền bắc. Hoàn lưu bão số 7 kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn cho nhiều khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tổ hợp thiên tai trong 10 ngày, đó là: bão số 7, bão số 8, dự báo còn có bão số 9 và không khí lạnh tràn về. Do đó, những ngày sắp tới, thời tiết sẽ rất bất lợi cho khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ.
"Các địa phương cần có kịch bản ứng phó xa hơn, trước mắt là 10 ngày tới, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, an toàn trong sản xuất. Chúng tôi sẽ có phương án ứng phó cho các địa phương này trong suốt 10 ngày tới", ông Hiệp nói.
Sẵn sàng kịch bản ứng phó tổ hợp thiên tai phức tạp trong 10 ngày tới |
Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với tổ hợp thiên tai
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh trước liên hoàn tổ hợp thời tiết cực đoan trong những ngày tới, các địa phương cần khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó với thiên tai trong 10 ngày.
"Mặc dù dự báo xa có thể không chính xác, chính quyền và người dân cần có cái nhìn tổng quan để thấy được mức độ cực đoan của thời tiết. Nếu có kịch bản cụ thể, chúng ta sẽ chủ động được phương án ứng phó khi xuất hiện bão số 8 cùng những hình thái khác", ông Hoan nói.
Việc xây dựng các phương án ứng phó bão phải kết hợp chặt chẽ với phương án phòng chống dịch bệnh, đồng thời các địa phương cần lưu ý thêm tình hình người dân di chuyển từ các tỉnh miền Nam ra Bắc.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bão lũ kèm dịch bệnh sẽ khiến việc di chuyển của người dân có mức độ rủi ro, nguy hiểm cao hơn. Do đó, chính quyền các địa phương cần can thiệp kịp thời, thông tin về diễn biến thời tiết cho người dân trở về, đặc biệt từ 4 tỉnh, thành phố là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Việc này giúp người dân phán đoán, ra quyết định để không tạo ra rủi ro đột biến cho bản thân.
Đồng thời, trong lúc thiết lập các điểm, khu cách ly tập trung cho những người mới về theo quy định của Bộ Y tế, các địa phương cần lưu ý thêm khả năng chống chịu trước mưa bão của các khu vực này.
"Chúng ta không chủ quan để bão lớn thiệt hại nhỏ mà bão nhỏ thì thiệt hại lớn. Trong bão có thể không nguy hiểm, nhưng hoàn lưu sau bão có thể gây mưa lớn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý và đề nghị các địa phương cần căn cứ diễn biến thực tế để ra quyết định cấm biển, cấm ra đường, cấm vào rừng, cấm ra đồng...
Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng cho rằng về lâu dài, để ứng phó với thiên tai, các địa phương, ban, ngành chức năng cần lưu ý đến việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định vị phương tiện trên biển để dễ dàng kết nối, xử lý thông tin khi có tình huống xảy ra./.