In bài viết

Sẵn sàng mọi kịch bản triển khai giãn cách xã hội 19 địa phương theo Chỉ thị 16

(Chinhphu.vn) – Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội 19 tỉnh phía Nam theo Chỉ thị 16, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải tăng công suất xét nghiệm, thay đổi chiến lược xét nghiệm; tiến hành thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP. Hồ Chí Minh,…

18/07/2021 13:23

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ 00 phút ngày 19 tháng 7 năm 2021.

Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản này, căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục thực hiện thời gian giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành y tế đã đưa ra tất cả các chỉ đạo, kịch bản cho việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vấn đề về xét nghiệm với người bệnh cũng như để phát hiện sớm các ca bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải tăng công suất xét nghiệm, thay đổi chiến lược xét nghiệm sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để có thể tầm soát phát hiện những trường hợp lây nhiễm COVID-19 để tách ra ngay khỏi cộng đồng.

Chia 3 tầng điều trị

Về điều trị, Bộ Y tế chia 3 tầng điều trị, với bệnh nhân không có triệu chứng được điều trị tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ban đầu, những đòi hỏi về mặt y tế ở mức độ trung bình.

Với các bệnh nhân có triệu chứng và có thể tiến triển thành bệnh nhân nặng thì điều trị các cơ sở y tế từ bệnh tuyến huyện trở lên.

Với bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các địa phương thành lập đơn nguyên hay trung tâm hồi sức tích cực để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng.

Song song với việc đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại các khu vực hình thành các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch để có thể thực hiện tất cả các biện pháp chuyên môn kỹ thuật điều trị, cấp cứu bệnh nhân.

Thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TPHCM

Về bảo đảm vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã chuẩn bị tích vực về trang thiết bị. Trong ngày hôm nay, Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP. Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế đã giao bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ cấp phát trang thiết bị, vật tư tiêu hao cũng như các địa phương.

Song song đó, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở chức năng cao cũng như máy thở thông thường cho kho dự trữ này. Mặt khác đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị cho phòng chống dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực này. Đồng thời các địa phương đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đã chuẩn bị trang thiết bị thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Chúng ta sẽ đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch tại đây cũng như các đia phương khác trên toàn quốc.

Người dân không nên ra khỏi nhà, các cơ sở chuyển sang làm việc online

Về việc thực hiện Chỉ thị 16, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, một trong những nguyên tắc cơ bản của Chỉ thị 16 là người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, xã cách ly với xã, cũng như huyện cách ly với huyện.

Theo đó, với người dân là ở tại nhà, chỉ khi thật sự cần thiết mới ra khỏi nhà, hạn chế mọi sự tiếp xúc của mình với người ngoài xã hội, không tụ tập đông người và theo chỉ thị 16 là không quá 2 người tại các khu ngoài công sở, bệnh viện, trường học.

Với tất cả các cơ sở chuyển sang trạng thái làm việc online hoặc có biện pháp giãn cách để làm sao đảm bảo tất cả các biện pháp phòng chống dịch.

“Chỉ thị 16 cũng nhấn mạnh, đối với các cơ sở như cơ sở y tế hoạt động 100% công suất. Chúng tôi cũng đã đề nghị, yêu cầu các địa phương phải triển khai phương án này” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hàng ngàn thầy thuốc vào TPHCM chống dịch

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính tới ngày 17/7, đã có 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên.

Bên cạnh đó, hơn 30 lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Trường trực thuộc Bộ Y tế đã được điều động bổ sung cho Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp hỗ trợ thành phố Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động chống dịch.

Bộ Y tế đang duy trì hoạt động của 7 đoàn công tác hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Các tỉnh này còn nhận được sự chi viện từ các bệnh viện tuyến trung ương và Sở Y tế các địa phương.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo sẽ huy đọng 10.000 cán bộ, , nhân viên y tế tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành phố miền Nam./.