Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc PTC4 xung quanh việc sẵn sàng tiếp nhận quản lý vận hành đường dây quan trọng này.
Xin ông cho biết PTC4 đã có sự chuẩn bị như thế nào để chuẩn bị tiếp nhận vận hành đường dây 220 kV Kiên Bình–Phú Quốc?
Ông Nguyễn Văn Bảy: Từ tháng 11/2020, PTC4 được EVNNPT giao nhiệm vụ tiếp nhận vận hành đường dây 220 kV Kiên Bình-Phú Quốc.
Công ty đã tổ chức nhân sự cùng phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Nam (chủ đầu tư dự án) sớm tiếp cận hồ sơ công trình để nghiên cứu và lập phương án cho công tác chuẩn bị quản lý vận hành sau này.
PTC4 xác định công trình đường dây 220 kV Kiên Bình-Phú Quốc là công trình có tầm quan trọng với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, kinh tế-xã hội và góp phần phát triển biển đảo Phú Quốc,
Công ty đã thành lập Đội công tác tham gia khảo sát hiện trạng và nghiệm thu công trình, đánh giá chất lượng, xây dựng quy trình vận hành đường dây. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp chính quyền địa phương triển khai phương án chuẩn bị sản xuất bao gồm nhân sự, dụng cụ thiết bị duy tu bảo dưỡng và cơ sở vật chất để tiếp nhận quản lý vận hành công trình.
Theo ông đâu là những thách thức trong quản lý, vận hành? Đơn vị đã xây dựng phương án nào để vượt qua thách thức này?
Ông Nguyễn Văn Bảy: Đây là đường dây truyền tải vượt biển đầu tiên và dài nhất Đông Nam Á với chiều dài toàn tuyến là 80,5 km trong đó 64,7 km trên biển và 15,8 km trên bờ.
Với đặc điểm này sẽ có nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý vận hành đường dây trên biển 220 kV Kiên Bình-Phú quốc. Đáng chú ý là những thách thức về kinh nghiệm quản lý đường dây trên biển, khó khăn trong việc kiểm tra sửa chữa, xử lý sự cố đường dây khi sóng to, gió lớn, thời tiết bất thường, thời gian xử lý sự cố kéo dài; nguy cơ bị va chạm bởi các tàu thuyền hoạt động trên biển.
Để vượt qua những khó khăn này, PTC4 đã chủ động xây dựng phương án quản lý vận hành với các tiêu chí: Tuyển chọn công nhân quản lý vận hành đường dây có sức khỏe tốt và kinh nghiệm làm việc với khu vực sông nước, tổ chức học tập kinh nghiệm các nước có mô hình đường dây tương tự.
Đồng thời nghiên cứu ứng dụng và trang bị các công nghệ giám sát đường dây; phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng để xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ đường dây trên biển, tổ chức tuyên truyền và vận động các hộ dân có tàu thuyền đánh cá trong khu vực để phối hợp bảo vệ đường dây.
Ngoài ra để quản lý vận hành tốt đường dây vượt biển đầu tiên, Công ty sẽ thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm công tác quản lý vận hành để kịp thời bổ sung vào quy trình vận hành đường dây này.
Với tuổi thọ công trình được xác định vận hành ổn định trên 40 năm, chất lượng của dự án phải được quan tâm hàng đầu. Với việc chứng kiến nghiệm thu công trình ngay từ đầu đã giúp đơn vị đánh giá khó khăn do thời tiết, môi trường đến công tác thi công và công tác quản lý vận hành sau này. Ngoài ra, đơn vị cũng đã thông báo cho chủ đầu tư các khiếm khuyết tồn tại để xử lý khắc phục.
PTC4 đã có biện pháp phối hợp như thế nào với chính quyền địa phương và và các đơn vị liên quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong quản lý, vận hành đường dây?
Ông Nguyễn Văn Bảy: Trong phương án quản lý vận hành đường dây vượt biển PTC4 đã chủ động liên hệ, làm việc với với UBND tỉnh Kiên Giang và được sự đồng thuận rất lớn.
Hiện nay UBND tỉnh Kiên Giang đã giao cho Sở Công Thương làm đầu mối để xây dựng quy chế phối hợp và lấy ý kiến của các ban, ngành hỗ trợ công tác quản lý vận hành đường dây.
Công tác quản lý vận hành đường dây 220 kV Kiên Bình-Phú Quốc cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ EVN và EVNNPT. Theo đó, EVN và EVNNPT đã tổ chức nhiều đoàn công tác tiến hành khảo sát tuyến đường dây để chỉ đạo cho PTC4 triển khai xây dựng phương án quản lý vận hành, bảo đảm trang thiết bị và cơ sở vật chất, đào tạo cho đội ngũ công nhân sẵn sàng tham gia quản lý vận hành đường dây quan trọng này.
Trân trọng cảm ơn ông
Toàn Thắng (thực hiện)