In bài viết

Sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để mở cửa du lịch

(Chinhphu.vn) - Để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch vào ngày 15/3 tới, Tổng cục Du lịch đã xây dựng các phương án, lộ trình đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới bảo đảm an toàn, khoa học và hiệu quả.

21/02/2022 17:36

Mở cửa du lịch đúng thời điểm: Việt Nam đang có lợi thế

Mở cửa du lịch: Thích ứng-Đón thời cơ

Sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để mở cửa du lịch - Ảnh 1.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: VGP

Ngày 21/2, thông tin về các kế hoạch cũng như công tác chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch của Việt Nam sắp tới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, toàn ngành du lịch đã sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam chính thức mở lại trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, từ nay đến khi mở cửa lại du lịch có rất nhiều công việc cần phải triển khai. Trước hết là công tác phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện phương án đón khách du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bảo đảm an toàn phòng chống dịch là điều kiện tiên quyết

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh các nội dung trọng tâm cần chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch vào ngày 15/3 tới. Trong đó, yếu tố bảo đảm an toàn phòng chống dịch là điều kiện tiên quyết. Việc khôi phục các chuyến bay thương mại, không hạn chế các chuyến bay quốc tế là điều kiện để phục hồi du lịch.

Việc cấp thị thực là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển quốc tế như trước khi dịch bệnh. Việt Nam đã công nhận "Hộ chiếu vaccine", giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Điều đó khiến điều kiện đi ra nước ngoài cũng bị hạn chế. Chỉ khi nào cân bằng được cung-cầu của khách đi và đến thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá thành chi phí của các công ty du lịch.

Đồng thời cần chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực du lịch. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và năng lực cạnh tranh điểm đến. Trao đổi, kết nối với các thị trường trọng điểm trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch…

Nhấn mạnh đến yếu tố bảo đảm an toàn khi mở cửa trở lại, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải bảo đảm an toàn, khoa học và hiệu quả. Yếu tố an toàn là yếu tố đầu tiên vì vậy rất nhiều quốc gia cũng yêu cầu phải có test COVID-19 và tiêm chủng. Đối với Việt Nam, khi chúng ta có độ bao phủ vaccine cao và có kinh nghiệm 2 năm xử lý dịch thì việc yêu cầu  phải test COVID-19, có bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm yếu tố an toàn trong quá trình mở cửa lại.

Tổng cục Du lịch đề xuất khách nhập cảnh qua đường hàng không ngoài phải có chứng nhận tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh, được lựa chọn xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR có giá trị 72 giờ hoặc kết quả xét nghiệm nhanh có giá trị 24 giờ trước khi bay đến Việt Nam. Khi hạ cánh xuống sân bay, khách đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và thực hiện xét nghiệm tại cơ sở lưu trú đã đăng ký. Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như điều kiện của khách nội địa. 

Du khách phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 tối thiểu 10.000 USD. Tính trung bình du khách chỉ phải bỏ ra 1,5-2 USD cho 1 ngày.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sau khi mở cửa lại du lịch, khách du lịch không nhất thiết phải đi theo các chương trình du lịch định sẵn mà có thể tự đi. Đây là hoạt động giống như trước dịch, chỉ có như vậy khách du lịch mới có thể thoải mái đi lại, đặc biệt là tại một số thị trường du lịch trọng điểm như Nga và các nước Đông Âu.

Sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để mở cửa du lịch - Ảnh 2.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Toàn ngành du lịch đã sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam chính thức mở lại trong điều kiện bình thường mới. Ảnh: VGP

Khôi phục lại nhân lực du lịch là công việc quan trọng

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành phải đóng cửa, làm việc cầm chừng, nhân lực của ngành du lịch thiết hụt. Vì vậy, nếu ngành du lịch được phục hồi mạnh mẽ, tạo được công ăn việc làm, thu nhập cao sẽ tự động là đòn bẩy thu hút lao động trước đây bị phân tán và chuyển sang làm các lĩnh vực khác quay trở lại.

"Chỉ có thể khôi phục lại hoạt động du lịch thì mới thu hút được lực lượng lao động. Bên cạnh đó cần có những cơ chế chính sách, chương trình đào tạo, bồi dưỡng người lao động. Phần lớn người lao động trong ngành du lịch đều đã được đào tạo bài bản, lâu dài và đều rất nhiệt huyết, vì vậy khi du lịch được mở cửa hoàn toàn, nhân lực của ngành du lịch sẽ quay trở lại", ông Khánh nói.

Đồng thời, cần có cơ chế chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động quay trở lại ngành làm việc. Trước đó đã có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp như: Tài chính, tín dụng, an sinh xã hội; giảm tiền điện, thuê đất, giảm VAT, giảm lãi vay…

Triển khai theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, từ tháng 7/2021 đến nay đã chi trả cho gần 80% cho các hướng dẫn viên trong ngành du lịch.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các địa phương, mỗi địa phương có những cơ chế chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn của mình. Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất duy trì các cơ chế chính sách này đến hết năm 2023.

Nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch

Nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở vật chất cũng là những vấn đề cốt lõi để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch sẽ thường xuyên có sự kết nối với các địa phương, các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp để nắm bắt thực trạng của du lịch.

Trong quá trình vừa qua, với chủ trương mở cửa lại du lịch, đặc biệt là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch hoàn thiện lại cơ sở vật chất, duy tu, bảo dưỡng, phục hồi cơ sở vật chất để đón khách du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú trong cả nước với gần 700.000 phòng. Khách sạn cao cấp, khách sạn 4-5* chiếm tỷ trọng lớn tại các trung tâm du lịch lớn. Với điều kiện như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể đón khách quốc tế với mục tiêu mà ngành đã đề ra.

Bên cạnh đó còn những loại hình cơ sở lưu trú khác bảo đảm đầy đủ các điều kiện đón khách. Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra ở các địa phương, hướng dẫn các địa phương hoàn thành tốt hoàn thiện cơ sở vật chất để đón khách quốc tế.

Với con số gần 9.000 khách quốc tế đến Việt Nam từ khi thực hiện chương trình thí điểm (tháng 11/2021) đến nay tuy không nhiều nhưng là con số đáng khích lệ, là "liều thuốc tinh thần" cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch đẩy mạnh hoạt động trong thời gian mở cửa du lịch tới đây.

Diệp Anh