In bài viết

Sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới trong năm 2024

(Chinhphu.vn) - Năm vừa qua, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Cùng với đà tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới...

23/12/2024 19:51
Sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới trong năm 2024- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng thể chế; xác định đây là nhiệm vụ "đột phá của đột phá", tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại - Ảnh: VGP

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương chiều 23/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, ngành Công Thương đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Công nghiệp tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn từ 2020 đến nay

Trong đó, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%), là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.

"Với đà tăng như hiện nay, dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu rõ.

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao. Trong 11 tháng năm 2024, chỉ số sản suất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế tiếp tục phát triển như: Khai thác, chế biến dầu khí; khai thác, chế biến khoáng sản, điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Xuất khẩu lập kỷ lục mới

Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực: Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.

Đáng nói, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch, tăng mạnh nhờ nhu cầu hồi phục. Các thị trường lớn khác như Trung Quốc, EU cũng duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Năm 2024 cũng là năm thứ 9 Việt Nam ghi nhận xuất siêu, đây là một trong những cấu phần quan trọng để quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Với nỗ lực của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là của các doanh nghiệp, hộ nông dân,… đã đóng góp vào việc nâng cao tổng cầu của nền kinh tế thông qua con số xuất siêu này.

Liên kết chặt chẽ cùng các Bộ, ngành tạo động lực

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Võ Văn Hưng đánh giá cao những kết quả, thành tựu đáng ghi nhận, cũng như các giải pháp, kiến nghị của Bộ Công Thương nhằm tạo đột phá cho ngành Công Thương trong năm 2025.

Đại diện Bộ NN&PTNT nhìn nhận: Sự vào cuộc đồng bộ của ngành Công Thương trong năm 2024, đã tạo ra bứt phá trong sản xuất và xuất khẩu nông lâm sản thủy sản khi giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%. Đặc biệt, năm nay cũng là lần đầu tiên xuất khẩu nông sản vượt mức 60 tỷ USD (ước đạt 62,7 tỷ USD năm 2024), tăng trên 18% so năm 2023.

11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD, thủy sản 10 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu lẩm sản, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%,...).

"Sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị hai bộ cũng như sự ủng hộ, đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan địa phương đang góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045", Thứ trưởng Võ Văn Hưng cho hay.

6 giải pháp để ngành Công Thương đột phá

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận, năm vừa qua ngành Công Thương vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, nguyên nhân chủ quan chủ yếu là tinh thần chủ động trách nhiệm trong tham mưu, tính quyết liệt trong tổ chức thực hiện và kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, ý thức chấp hành của một số đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa tốt.

"Sự phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ có lúc, có việc còn hạn chế; Chưa kể, công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới ở một số đơn vị chưa thường xuyên sâu sát, kịp thời; năng lực, trình độ của một bộ phận công chức, viên chức và tính tiền phong gương mẫu của một số lãnh đạo đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa cao.

Đây chính là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của Ngành trong nhiều năm qua. Chúng ta cần thẳng thắn, nhìn nhận, nghiêm túc khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Sau khi tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi và chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo dư địa, động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. 

Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng thể chế; xác định đây là nhiệm vụ "đột phá của đột phá", tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại.

Trước mắt, tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi) và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách về phát triển Công nghiệp, nhất là các ngành Công nghiệp nền tảng; các loại hình năng lượng mới.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…).

Bốn là, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác có hiệu quả các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia.Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. 

Năm là, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân, còn nhiều tiềm năng. 

Sáu là, về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng Đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ; theo đó, tổ chức bộ máy của Bộ giảm từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị, giảm 05 đơn vị, tương ứng 17,8%; trong đó, đặc biệt là việc đề xuất kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn, do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trong này, tôi đề nghị cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Toàn lực lượng cần chú trọng làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ (nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ), tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành và trong từng cơ quan, đơn vị; xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học) nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị; tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ; không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ".

Phan Trang