Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo, tăng 14,4% về lượng, với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.
Đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tiếp tục tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch so với quý I/2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Ngày 26/4, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu lớn về sản lượng.
Điển hình tại thị trường Philippines, chiếm 46,4% tổng lượng và 45,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1 triệu tấn.
Đứng thứ hai là Indonesia, xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này tăng mạnh gần 200% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 445.326 tấn.
Xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia cũng tăng 28,8% về lượng, 60,6% kim ngạch và 24,7% về giá so với quý I/2023, đạt 98.917 tấn.
Nhận định tình hình thị trường gạo thế giới trong năm 2024, ông Sơn cho biết, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 – 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn. Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ước tính, đến tuần đầu tháng 4/2024, lượng lúa hàng hóa vụ Đông Xuân còn khoảng 3 triệu tấn, tương đương khoảng 2 triệu tấn gạo.
Ngoài ra, trên 430 ngàn ha lúa đã gieo sạ chưa thu hoạch. Vụ Hè Thu 2024 gieo sạ được khoảng 440 ngàn ha/1,48 triệu ha, đạt khoảng 30% kế hoạch. Vụ Đông Xuân 2023 – 2024 đã bắt đầu vãn đồng từ giữa tháng 4/2024, trong khi nhu cầu thu mua lúa gạo nguyên liệu làm hàng giao các hợp đồng quốc tế vẫn cao, do đó giá nội địa có xu hướng ổn định.
Bên cạnh đó, đánh giá từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng cho thấy, nguồn cung gạo toàn cầu dự báo sẽ không còn dồi dào bởi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, còn 132 triệu tấn.
Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Trước bối cảnh này, theo ông Sơn đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Trong công tác phát triển thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 và tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu (Philippines, Malaysia) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, mở rộng đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo với các thị trường mới.
Theo đó, tháng 11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ với số lượng 300.000 tấn. Tháng 2/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với số lượng hàng năm lên tới 1,5 – 2,0 triệu tấn gạo trắng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hỗ trợ các thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT (Cục Bảo vệ thực vật) hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu, tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Tổ chức các Đoàn giao dịch thương mại gạo trong năm 2023 tại thị trường Hồng Kông, Trung Quốc (thành phố Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu) nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo, quảng bá hình ảnh sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam đến người tiêu dùng.
Năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức như nguồn cung gạo toàn cầu giảm do tiếp tục chịu tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga và hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu, ở nhiều khu vực). Cùng với đó, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4 triệu tấn gạo. Trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước 4,38 triệu tấn và 6 tháng cuối năm trên 3 triệu tấn.
Thứ trưởng Nam khẳng định, hiện nay sản lượng lúa đạt khoảng 43 triệu tấn, tương đương khoảng 20 triệu tấn gạo. Con số này hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Nam, 2 vấn đề vướng mắc trong chuỗi lúa gạo đã tồn tại thời gian dài là người sản xuất không biết bán ở đâu. Còn doanh nghiệp rất muốn mua lúa, nhưng chưa xác định được thời điểm ký hợp đồng phù hợp, cũng như địa điểm tìm nguồn nguyên liệu, phải thu mua qua khâu trung gian là gia tăng chi phí.
"Chúng tôi đã gửi thông tin đến Bộ Công Thương và các địa phương về sản lượng lúa từng mùa vụ là bao nhiêu, tuy nhiên vẫn chưa có sự thông tin chặt chẽ. Doanh nghiệp khi ký hợp đồng không biết sản lượng như thế nào", Thứ trưởng Nam băn khoăn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất với Bộ Công Thương, trước mỗi mùa vụ, các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam thống nhất các nội dung triển khai. Sau đó thông báo đến các doanh nghiệp để cùng tham gia, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm.
Ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) đưa ra ba kiến nghị tại hội nghị lần này.
Thứ nhất, các bộ, ngành cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương quảng bá, thông tin, tuyên truyền về lúa gạo Việt Nam đến với quốc tế. Điều này góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của gạo Việt Nam với khẩu hiệu: Gạo Việt, Gạo Xanh - Sống Lành.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng lúa gạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đây cũng là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thứ ba, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phát huy vai trò chủ lực xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển HTX, liên kết nông dân làm cầu nối, tiếp thị, thu hút sự liên kết của doanh nghiệp trên các vùng nguyên liệu của địa phương.
Đỗ Hương