In bài viết

Sắp đấu giá khai thác khoáng sản

(Chinhphu.vn) – Từ năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi được khi Nghị định 158 có hiệu lực từ 15/1/2017.

25/12/2016 14:05
Dây chuyền khai thác Ilmenite của công ty tại khai trường huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: TTXVN
Sau 5 năm thực hiện, nhiều chính sách về khoáng sản đã đi vào cuộc sống nhưng nhiều quy định vẫn còn một số tồn tại. Đơn cử như quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoản 1, điều 79 Luật Khoáng sản 2010, nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại tọa đàm “Chủ trương, chính sách Khoáng sản sau 05 năm thực hiện và định hướng thời kỳ tới” vừa tổ chức tại Hà Nội. Tọa đàm đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

TS Lê Ái Thụ, Hội địa chất Việt Nam cho biết, theo quy định tại khoản 1, điều 79 Luật Khoáng sản 2010, hình thức đấu giá gồm có: Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Về cơ bản, các khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khi thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực. Vì vậy, quy định này được dự báo là không thực tế.

Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực chưa thăm dò khoáng sản, về cơ bản là không khả thi vì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá cũng không hiểu được “vật” mình đem đi bán đấu giá. Thông thường, để tổ chức bán đấu giá, người có vật bán đấu giá phải hiểu được phần nào về giá trị của vật đó. Còn tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá cũng không thể hiểu được vật đem đấu giá là như thế nào, chất lượng ra sao.

Cùng với đó, giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoảng 2, điều 4, Nghị định 22/2012/NĐ-CP không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Quy định như vậy sẽ không thực tiễn. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện hành được xác định trên cơ sở mỏ đã có dự án đầu tư. Vì vậy, việc xác định giá khởi điểm rất khó triển khai, nếu có triển khai thì độ tin cậy không có, đặc biệt là đối với khu vực chưa có kết quả thăm dò.

“Chính vì những khó khăn, bất cập trên mà Luật Khoáng sản 2010 đã được Quốc hội thông qua hơn 6 năm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa được thực hiện tại bất kỳ khu vực nào. Còn tại các địa phương cũng chỉ có vài mỏ được tổ chức đấu giá”, TS Lê Ái Thụ cho biết.

Về vấn đề này, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, không phải Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chưa tổ chức đấu giá mà chưa đủ điều kiện để tổ chức. Vì theo quy định của Nghị định 22 trước đây, tổng số doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá phải là 3 DN nhưng sau khi bán hồ sơ 4 mỏ công khai năm 2015 thì nhận về trung bình mỗi mỏ được 5-6 hồ sơ.

Nhưng khi lọc hồ sơ, thì những mỏ do Bộ TN&MT tổ chức đấu giá, Bộ Tài chính ra yêu cầu vốn chủ sở hữu là 50 tỷ thì khi nhận hồ sơ vào, vốn chủ sở hữu của DN đều chưa đạt. Chính vì vậy, nên 4 mỏ chưa đấu giá được. Bộ TN&MT đã đề nghị Thủ tướng và được chấp thuận trong Nghị định 58, đó là sửa lại số DN tối thiểu.

Hiện nay, theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, sửa đổi Nghị định 22, cho phép giảm số DN tham gia đấu giá xuống còn 2, theo đúng tinh thần Nghị định 77 là đấu giá tài sản chung cùa Chính phủ trước đây.

“Như vậy, thời gian tới Bộ TN&MT có thể tổ chức đấu giá được khi Nghị định có hiệu lực từ 15/1/2017. Đây là lần đầu thực hiện nên lúng túng là không thể tránh khỏi nhưng Bộ sẽ thực hiện và rút kinh nghiệm dần dần”, ông Lại Hồng Thanh cho hay.

Thu Trang
Theo báo Tin tức