Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, đó là lộ trình Bộ Y tế sẽ triển khai nhằm nỗ lực tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy.
Theo đó, trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Cục C06, Bộ Công an, BHXH Việt Nam để nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.
Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).
Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm Y tế cho rằng, việc triển khai giấy chuyển tuyến BHYT điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực như: phục vụ quản lý nhà nước về công tác chuyển tuyến BHYT, tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế.
Đồng thời, giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến hay tái khám.
Bên cạnh đó, còn hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến và hỗ trợ cơ quan BHXH trong công tác giám định, thanh toán BHYT.
Tại Kỳ họp thứu 6, Quốc hội khoá XV, khi trả lời đại biểu Quốc hội về kiến nghị bỏ giấy chuyển viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vai trò của giấy chuyển viện rất cụ thể, ghi rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án. Vì vậy, khi chuyển tuyến dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.
Theo Tư lệnh ngành Y tế, việc giảm thủ tục gây phiền hà cho người dân khi đi khám chữa bệnh phải đảm bảo sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải, dồn lên tuyến trên.
Bên cạnh đó, Luật Khám chữa bệnh hiện nay có quy định 3 cấp chuyên môn thực hiện công tác khám chữa bệnh. Mỗi cấp đều được quy định triển khai khám chữa bệnh cho người dân ở mức độ nào, căn cứ khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng người bệnh. Trước đó, Luật Khám chữa bệnh cũ quy định 4 cấp chuyên môn.
Từ năm 2016, nước ta đã triển khai thông tuyến cấp huyện và năm 2021 đã triển khai thông tuyến toàn tỉnh. Đây là bước chuyển tuyến tạo thuận lợi cho người dân đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, vấn đề là từ tuyến huyện, tuyến tỉnh có được chuyển thẳng lên tuyến Trung ương hay không vì nhiều năm nay chúng ta đều phải giải quyết bài toán quá tải bệnh viện, Bộ trưởng bày tỏ băn khoăn.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng chia sẻ, việc chuyển tuyến hiện nay đang được chia thành 2 luồng. Đó là từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân và từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi tình trạng sức khoẻ của người bệnh ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài.
Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế đang triển khai các công việc liên quan để tiến tới thực hiện việc chuyển tuyến điện tử.
Hiền Minh