Ảnh: Báo Lâm Đồng |
12 giờ 15 phút, theo thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm này, mực nước bên trong đường hầm nơi 12 nạn nhân đang bị mắc kẹt đã giảm từ mức hơn 1m xuống còn khoảng 40cm.
Bác sỹ Nguyễn Văn Hòa, người đang phụ trách việc cung cấp thuốc, sữa, nước uống và thức ăn nhẹ cho các công nhân bị kẹt, đến thời điểm này chưa có trường hợp nào bị khó thở. Chỉ có 1 người bị nhiễm lạnh trong ngày hôm qua (17/12), và sau khi bồi đắp năng lượng cho trường hợp này bằng cách cho uống sữa giàu năng lượng cùng với truyền thêm thuốc để nâng cao sức đề kháng, sức khỏe công nhân này trở lại bình thường.
Diễn biến chính công tác cứu 12 công nhân trong hầm thủy điện
7 giờ sáng 18/12, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến chỉ đạo các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ phối hợp và cùng triển khai cả 3 phương án đào hầm tiếp cận các nạn nhân bị mắc kẹt, đó là: Phương án đào thủ công, phương án dùng búa phá khí nén và phương án dùng súng bắn nước.
Các phương án cần phải triển khai đảm bảo kỹ thuật, tiến độ thi công nhanh và nhất là phải đảm bảo yếu tố an toàn. Trong quá trình thực hiện, xét thấy phương án nào khả thi, phù hợp thì tập trung toàn lực, đẩy nhanh tiến độ đào hầm để tiếp cận đến nơi các nạn nhân bị mắc kẹt nhanh nhất.
Các mũi khoan ở phía cửa đường hầm chính - nơi đất sập đang bịt kín lối ra, lực lượng cứu nạn đã đặt 2 máy bơm để bơm nước từ bên trong ra ngoài.
10 giờ sáng, đội cứu hộ đang tiến hành khoan từ bên trên xuống hầm cho biết hiện đã khoan được gần 40m từ trên đỉnh xuống dưới vị trí hầm bị sập, chỉ còn 30m nữa sẽ khoan thủng. Khi khoan thành công lỗ khoan có đường kính 20cm này đường hầm sẽ có ánh sáng, quần áo ấm và thức ăn sẽ được chuyển xuống thêm cho người bên trong dễ dàng hơn.
Các chiến sỹ cảnh sát phòng cháy từ TP. Hồ Chí Minh đang đào ở hầm phía sau (cửa xả nước). Ảnh: Báo Lâm Đồng |
Tại cửa hầm phía trước, sau 2 ngày, đội đào hầm đã đào vào được 5m trong tổng số 35m.
Cũng trong sáng nay, 45 chiến sỹ cảnh sát PCCC từ TP. Hồ Chí Minh đã đến hiện trường tham gia cứu hộ.
----------------
Trước đó, vào lúc 15 giờ ngày 17/12, có 3 phương án đang được triển khai tích cực cùng lúc là: Khoan cọc nhồi từ trên xuống, khoan thoát nước chống ngập và khoan cửa hầm để đặt ống sắt cho các công nhân theo đó thoát ra ngoài.
Khoảng 20 giờ 20 (ngày 17/12), mũi khoan thứ 2 (chống ngập) đã xuyên thủng được một lỗ có đường kính 6cm và việc hút nước đang được gấp rút triển khai. Cửa hầm phía bên kia đã khoan được 16m trong tổng chiều dài 60m.
Đến 21 giờ 50 phút, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, lực lượng cứu hộ đã sử dụng máy khoan đá chuyên dụng khoan mũi rộng đường kính 20cm từ phía hạ lưu đường hầm. Công việc này đang tương đối thuận lợi.
Đến hơn 4 giờ sáng nay (18/12), mũi khoan thứ 3 (khoan cửa hầm để đặt ống sắt cho người bị kẹt thoát ra) đã thành công. Lực lượng cứu hộ tiếp tục đào thêm một đường hầm mới song song với khu vực hầm bị sập, nơi các công nhân đang mắc kẹt.Tại hiện trường bên trong hầm bị sập, nước vẫn liên tục nhỏ từ trên xuống gây khó khăn cho công tác cứu hộ, mặc dù các máy bơm vẫn liên tục bơm nước ra ngoài.
Dự kiến sáng nay (18/12), máy bơm nước công suất lớn hơn sẽ được đưa đến chi viện.
Sau 48h mắc kẹt trong đường hầm (từ khoảng 7 giờ ngày 16/12), 12 công nhân vẫn được tiếp tế thức ăn, sữa chuyển vào qua các lỗ khoan.
* Vào khoảng 7 giờ sáng ngày 16/12, đường hầm đang thi công của công trình thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương) đã bất ngờ bị sập khiến 12 công nhân bị mắc kẹt phía trong hầm.
Đoạn hầm bị sập cách cửa hầm 500m; hầm sâu khoảng 700m.
Đến nay, công tác cứu hộ đã bước sang ngày thứ 3.