Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Yên (Gia Lai), căn cứ quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn; tỉnh Gia Lai đã thành lập xong các Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình chuyên ngành: Giao thông, xây dựng dân dụng và công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn (năm 2016).
Đến nay các Ban QLDA chuyên ngành đã hoạt động ổn định, nề nếp, chuyên nghiệp và tương đối hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh lại muốn sáp nhập một số Ban QLDA chuyên ngành lại thành Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình xây dựng chung kiểu mới.
Ông Yên hỏi, thủ tục nêu trên có phải xin ý kiến Bộ Xây dựng hay không? Kết quả đánh giá mô hình hoạt động của Ban QLDA đầu tư xây dựng kiểu mới trên đã được Bộ Xây dựng tổng kết, đánh giá chưa?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 18 Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ “Người quyết định thành lập Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực quyết định về số lượng, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực, cụ thể như sau:
Đối với cấp tỉnh: Các Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực do UBND cấp tỉnh thành lập gồm Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn…”.
Việc người quyết định thành lập Ban sáp nhập các Ban QLDA đầu tư xây dựng nêu trên thành một Ban để tăng tính hiệu quả của Ban QLDA là phù hợp với xu hướng sáp nhập và kiện toàn bộ máy tổ chức hiện nay.
Tuy nhiên, khi sáp nhập và kiện toàn Ban QLDA cần phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện năng lực khi thực hiện việc QLDA đối với các dự án về dân dụng và công nghiệp, dự án giao thông và dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Việc thành lập Ban QLDA không xin ý kiến của Bộ Xây dựng.