In bài viết

Sáp nhập HBB và SHB: Thương vụ thành công

(Chinhphu.vn) - Sáng 9/8, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng TMCP Sài gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức họp báo, chính thức công bố sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) vào SHB.

09/08/2012 15:11

Thương vụ sáp nhập HBB vào SHB được đánh giá là thành công - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Đây là trường hợp đầu tiên sáp nhập giữa hai ngân hàng và cũng là trường hợp đầu tiên 2 ngân hàng cùng niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện sáp nhập thành công.

Thương vụ thành công

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, SHB có nghĩa vụ tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của HBB. Trong vòng 15 ngày (kể từ ngày 28/8) HBB phải bố cáo chấm dứt hoạt động.

Ngân hàng SHB sau sáp nhập trở thành một định chế tài chính quy mô lớn tại Việt Nam với số vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 120.000 tỷ đồng, trên 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh tại Campuchia, Lào.

Tổng số cán bộ, nhân viên của SHB sau sáp nhập là gần 5.000 người. Trong thời gian trước mắt, SHB sẽ tiếp nhận tất cả cán bộ, nhân viên của HBB, sau đó sẽ tiến hành bố trí lại công việc dựa trên năng lực thực tế. Cán bộ, nhân viên của HBB cũng sẽ được đào tạo để đáp ứng các yêu cầu, công nghệ của SHB.

Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) SHB, việc sáp nhập nằm trong chiến lược phát triển của ngân hàng, rút ngắn thời gian cũng như giảm thiểu tối đa chi phí trong lộ trình phát triển. “Nếu để SHB tự thân phát triển, thì nhanh phải mất 5 năm cộng thêm chi phí đầu tư không nhỏ. Trong khi đó, thương vụ với Habubank chỉ mất 7 tháng, chi phí bỏ ra lại hợp lý”, ông Hiển nói.

Ông Hiển cũng khẳng định tất cả các thủ tục đều được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch và đều được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Trước mắt thành phần HĐQT và Ban điều hành của SHB vẫn giữ nguyên. Nếu các thành viên trong HĐQT Habubank có nguyện vọng tham gia vào HĐQT thì sẽ xin ý kiến cổ đông và bầu bổ sung sau. Như vậy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc của Habubank đều chưa có vị trí trong ban lãnh đạo ngân hàng mới.

Đối với HBB, việc sáp nhập vào SHB giúp ngân hàng này tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc hơn, theo lời ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch HĐQT HBB. Ông Bảng cũng cho biết dù tiếc thương hiệu HBB, nhưng đã đến lúc cần có sự thay đổi vì quyền lợi của cổ đông, của người gửi tiền.

Đến ngày 28/8, SHB sẽ hoàn tất việc thay đổi tên, nhận diện HBB hiện nay thành SHB tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc.

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho rằng việc sáp nhập HBB giúp SHB rút ngắn thời gian cũng như giảm thiểu tối đa chi phí trong lộ trình phát triển - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Sau sáp nhập, hệ số an toàn vốn vẫn cao hơn chuẩn quốc tế

Tại cuộc họp báo, SHB khẳng định cam kết đảm bảo lợi ích và quyền lợi của người gửi tiền. Tất cả các khách hàng có quan hệ với HBB trước và sau khi sáp nhập đều được SHB tiếp tục thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp với chất lượng phục vụ và tính cạnh tranh cao hơn.

Bên cạnh đó, quyền lợi của các cổ đông cũng được đặc biệt coi trọng. Theo tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu, cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu HBB được nhận 0,75 cổ phiếu của SHB, đồng thời cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu SHB được nhận thêm 0,21 cổ phiếu SHB.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh yêu cầu SHB đảm bảo mọi quyền lợi của người gửi tiền tại HBB. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao, hỗ trợ khi cần thiết để SHB phát triển ổn định, đảm bảo được quyền lợi của người gửi tiền”, ông Tú nói.

Hệ số an toàn vốn (CAR) của SHB sau khi sáp nhập là 11,39%, cao hơn chuẩn quốc tế (9%) và cao hơn nhiều so với hệ số của HBB khi chưa được sáp nhập (4,24%). Với hệ số an toàn này, SHB sẽ hoạt động ổn định.

Trong năm 2012, hoàn thành cơ bản xử lý nợ của HBB

Ngay sau khi có thông tin về việc sáp nhập hai ngân hàng, tổ chức đánh giá quốc tế Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm của SHS do lo ngại ngân hàng này sẽ “yếu” đi vì phải gánh các khoản nợ xấu của HBB.

Ông Đỗ Quang Hiển cho rằng việc bị hạ tín nhiệm là đương nhiên do HBB hoạt động thua lỗ, tỷ lệ nợ xấu cao. Tuy nhiên, ngay sau khi có chủ trương sáp nhập, với năng lực tài chính và quản trị, SHB đã có phương án cụ thể để giải quyết “từng khoản nợ, từng khách hàng”.

Ông Hiển khẳng định, ngay trong năm 2012, SHB sẽ hoàn thành cơ bản việc xử lý nợ của HBB, đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn xuống dưới 10%.

Tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước khi sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng), chủ yếu tập trung ở các khoản vay trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy, giấy, thủy sản.

Xuân Tuyến