![]() |
Một con tàu lắp hệ thống buồm công nghệ cao, có thể thu hồi vốn sau 5 đến 10 năm |
Ý tưởng đưa ra mỗi buồm rộng 20m cao 50m, số lượng buồm tùy chỉnh theo tải trọng tàu. Buồm công nghệ cao là các tấm bằng nhôm bền nhẹ, và nhựa gia cường. Buồm có hình dạng khí động hợp lý, được giương lên từng mô đun theo phương thẳng đứng, bằng ròng rọc và thủy lực.
Diện tích hứng gió và hướng xoay của từng cánh buồm do máy tính điều khiển. Nó sẽ tính sao cho tối ưu hóa lực đẩy.
Các nhà khoa học cho rằng, sử dụng công nghệ mới, cho phép làm các cánh buồm rất lớn, thủy thủ đoàn sẽ kiểm soát chúng một cách tự động.
Công nghệ tổng thể bao gồm: Dự báo thời tiết sẽ cho ra số liệu chi tiết về gió, như hướng gió, cường độ gió, mùa đi biển, ngày đi biển, thủy triều, hải lưu… ở “từng vùng hẹp” trên đại dương. Từ đây nối mạng thông tin hàng hải cho tất cả các tàu trên khu vực. Khi thời tiết xấu, cho phép con tàu thu buồm nhanh, theo kiểu “tụt từng cánh”, chỉ trong vài phút, đến chục phút. Lúc này tàu dùng lực đẩy của động cơ diesel.
Hiện các nhà khoa học đang chế tạo thử từng loại cánh buồm, xây dựng mô hình khí động, tính toán các kiểu “luồng gió”, mô phỏng máy tính, cơ cấu giương buồm, cơ cấu xoay buồm, và lắp ráp mẫu đầu tiên.
Tất nhiên buồm lắp cho tàu chở hàng rời, như than, ngũ cốc…khác với buồm cho tàu chở công-te-nơ, khác với tàu “du thuyền” chở khách.
Nếu đúng kế hoạch, tàu biển có buồm sẽ thử nghiệm vào năm 2016.
Vận tải biển trên thế giới ước tính hiện có khoảng 45.000 phương tiện. Mỗi năm nó đốt nhiên liệu và gây ô nhiễm tương đương với hàng triệu xe ô tô. Qua tính toán, một con tàu lắp hệ thống buồm công nghệ cao, có thể thu hồi vốn sau 5 đến 10 năm. Chắc chắn bằng cách này vận tải biển sẽ hạ giá cước vận chuyển, tránh được ô nhiễm đại dương. Kỷ nguyên mới của “vận tải xanh” đang ló ở đường chân trời.
Trần Văn
Theo Gizmag, socialuprooting