In bài viết

Sắp xếp đổi mới công ty nông lâm nghiệp: Cần sự quyết liệt của địa phương

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới chưa rõ rệt và đồng đều. Một trong những vướng mắc lớn nhất là chưa xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai kéo dài.

18/11/2019 17:46

Xử lý dứt điểm sở hữu đất mới thúc đẩy quá trình sắp xếp hiệu quả nông lâm trường. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Khó khăn ở cơ sở

Thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, việc đổi mới và sắp xếp các công ty nông lâm trường tiếp tục chuyển biến rất tích cực. Trước sắp xếp vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp là 24.800 tỷ đồng (bình quân 96,89 tỷ đồng/công ty), tổng doanh thu 21.980 tỷ đồng (bình quân 85,85 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 3.520 tỷ đồng. “Sau sắp xếp tình hình tài chính lành mạnh hơn, cơ bản giải quyết được nợ khó đòi, vốn chủ sở hữu tăng lên là 27.840 tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm nay (18/11).

Tuy nhiên, những khó khăn của địa phương khi xử lý tranh chấp đất đai còn lại là một bài toán nan giản. Tại Hội nghị, đại diện UBND tỉnh Gia Lai cũng thừa nhận một thực tế, trong thời gian dài, việc quản lý đất đai thiếu chặt chẽ, còn buông lỏng, thiếu quan tâm và chưa kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất đai kéo dài nên việc xử lý càng phức tạp và rất khó giải quyết thỏa đáng.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho rằng, các công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý diện tích đất đai lớn, song việc quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế do năng lực tài chính hạn hẹp. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp được cấp từ lâu, trên nhiều loại bản vẽ, dựa trên nền bản đồ cũ, nên có sự chênh lệch số liệu diện tích giữa giấy chứng nhận và thực tế, làm cho công tác xác định ranh giới, cắm mốc gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, đại diện tỉnh Gia Lai đề nghị Trung ương nghiên cứu sớm hướng dẫn việc giao vốn rừng, để các công ty chủ động trong hoạt động, chịu trách nhiệm trong quản lý rừng và vốn rừng. Như vậy, mới nâng cao trách nhiệm thực hiện quản lý bảo vệ rừng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận, hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới chưa rõ rệt và đồng đều. Diện tích đất, tài sản trên đất các công ty bàn giao về địa phương còn ít (khoảng 91.419 ha/462.980 ha) do tài sản trên đất chưa được giải quyết rành mạch; công tác quản lý đất đai còn phức tạp, vẫn còn hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm đất đai.

Việc hoàn thiện lại hồ sơ, thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai mất nhiều thời gian. Tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất là rừng trồng với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ để lấn chiếm khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra.

Một số nơi chưa giải quyết dứt điểm tình trạng cho thuê, liên doanh liên kết, sử dụng đất không đúng đối tượng, mục đích; vấn đề giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhất là khu vực Tây Nguyên còn thấp (hiện có khoảng 11.000 ha giao cho hộ gia đình, chiếm 6,95%).

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: Một số địa phương, đơn vị thực hiện việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chậm, nhất là đối với sắp xếp theo mô hình hai thành viên trở lên mới đạt 37,5%; 27 công ty hiện chưa thực hiện việc sắp xếp. Kết quả ở các địa phương cũng cho thấy quá trình tổ chức thực hiện ở một số địa phương thiếu chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt; sự phối hợp giữa UBND các cấp và các ngành còn hạn chế, có biểu hiện "khoán trắng" cho Ban Chỉ đạo và cơ quan chuyên môn.

Cần tập trung nguồn lực trong năm 2020

Quá trình hình thành, sắp xếp và đổi mới công ty nông, lâm nghiệp có tính lịch sử, phức tạp, diễn ra trong một thời gian dài, trên địa bàn rộng lớn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới. Những khó khăn được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chỉ ra hiện nay là: Cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ; chưa có quy định điều kiện, hình thức, tiêu chí, trình tự, nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp định giá tài sản góp vốn, tỉ lệ vốn góp để thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên; việc bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tỉ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trong cổ phần hóa; xử lý tiền thuê đất, thuế sử dụng đất...

Ngoài ra, trong thực tiễn cũng đang đặt ra yêu cầu làm rõ hơn về việc có áp dụng phương thức phá sản doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp trong sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp.

“Tuy rất khó nhưng không thể không làm, mà cũng không thể không giải quyết. Muốn giải quyết vấn đề đất đai, quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Do đó, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Những địa phương, doanh nghiệp chưa hoàn thành việc sắp xếp phải xác định là nhiệm vụ ưu tiên tập trung chỉ đạo, nguồn lực trong năm 2020 để hoàn thành”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhìn nhận việc quan trọng nhất hiện nay là: Phải xác định được chủ sử dụng đất là ai.

“Theo tôi phải tiếp tục thực hiện việc này với những giải pháp đột phá về đất đai, huy động nguồn lực để hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, nắm chắc từng mảnh đất, chủ sử dụng đích thực là ai thì mới biết họ sử dụng có đúng chủ trương, mục đích hay không; đúng thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nếu có vi phạm, tranh chấp thì xử lý nghiêm”, ông Phát nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 30, đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, năng lực tài chính, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trường hợp tiếp tục tái cơ cấu thì có cơ chế giao quyền chủ động cho chủ sở hữu quyết định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhất là về quản lý sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; lập phương án quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp khi trả về địa phương.

Đỗ Hương