Để tìm hiểu rõ hơn về những giải pháp và hiệu quả bước đầu mà ngành Y tế đang thực hiện, Phóng viên Báo Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế.
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Thưa ông, thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành TW Đảng về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành y tế đã và đang thực hiện những giải pháp gì?
Ông Phạm Văn Tác: Đổi mới hoàn thiện hệ thống tổ chức cán bộ ngành y tế là nhiệm vụ rất quan trọng, là điểm xuất phát trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của ngành y tế.
Cụ thể, trong công cuộc đổi mới hệ thống tổ chức cán bộ, ngành y tế đã và đang tập trung vào một số nội dung chính gồm: Đối với tuyến y tế Trung ương, các Vụ, Cục được sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm khoảng 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.
Với quy hoạch phát triển ngành y tế đến năm 2025 trên cơ sở chỉ đạo của Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XII, ngành y tế sẽ thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Trung ương (CDC Trung ương) trên cơ sở sáp nhập các Cục phụ trách công tác chuyên môn trong khối y tế dự phòng thành một đơn vị. Như vậy, có thể giảm từ 3-4 đơn vị như hiện này còn 1 đơn vị.
Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ hướng tới thành lập đơn vị kiểm soát dược, thực phẩm và thiết bị y tế Trung ương trên cơ sở các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiêm, kiểm định, kiểm chuẩn. Như vậy, có thể giảm từ 3 đơn vị như hiện nay còn 1 đơn vị. Khối các đơn vị quản lý khám chữa bệnh có cùng chức năng, nhiệm vụ tương đồng sẽ được xem xét thành 1 đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.
Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế, hiện nay Bộ đang quản lý 82 đơn vị, trong đó 21 đơn vị (là các bệnh viện) đã tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh về UBND tỉnh quản lý. Bộ chỉ quản lý một số bệnh viện đầu ngành là cơ sở thực hành của các Trường Đại học Y dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt. Dự kiến, Bộ chỉ quản lý trực tiếp khoảng 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Bộ Y tế dự kiến chỉ quản lý trực tiếp khoảng 20 đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới. Ảnh:VGP/Thúy Hà |
Đối với tuyến y tế địa phương thì ngành y tế có những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tác: Với quan điểm xuyên suốt là nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở để phục vụ người dân ngay tại địa phương, từ năm 2015, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 51/2015/TTLT-BYT-BNV. Theo đó, nội dung cơ bản của Thông tư này gồm: Tại Sở Y tế, số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 3 người, lãnh đạo không kiêm nhiệm chức danh Trưởng của đơn vị cấp dưới có tư cách pháp nhân, số lượng phòng thuộc Sở không quá 7 người, có 2 Chi cục trực thuộc Sở, Chi cục không quá 3 phòng.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở: Tại tuyến tỉnh, thực hiện mô hình Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm có cùng chức năng. Hiện mỗi tỉnh, thành phố có từ 5-9 đơn vị trung tâm, nếu lấy trung bình mỗi tỉnh gồm 6 đơn vị trung tâm và theo Thông tư 51 sáp nhập thành 1 trung tâm, thì sẽ giảm tới 315 đầu mối là các đơn vị tuyến tỉnh, thành phố. Đồng thời, nhân lực của các Trung tâm này cũng sẽ giảm khoảng 1.260 vị trí lãnh đạo (1 cấp trưởng, 3 cấp phó), tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 91 tỷ đồng/năm (tính trung bình mỗi người 6 triệu đồng/tháng). Số người làm việc được xác định trên cơ sở vị trí việc làm (theo Luật Viên chức) dự kiến sẽ giảm khoảng 2.140 người, tiết kiệm khoảng 154 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước, chủ yếu là làm công việc hành chính như lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán…
Tính đến hết tháng 10/2017, cả nước đã có 38/63 tỉnh, thành đã quy định thực hiện Trung tâm kiểm soát bệnh tật.
Tại tuyến huyện, thống nhất mô hình Trung tâm y tế huyện thực hiện chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh (nếu có) và các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện. Hiện cả nước có 713 huyện/quận nếu thực hiện theo Thông tư 51 sáp nhập thành 1 Trung tâm y tế hai chức năng, khi đó sẽ thu gọn lại 713 đầu mối đơn vị.
Từ việc sắp xếp như trên đã mang lại những hiệu quả như nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tác: Trong số 21 bệnh viện (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế) đã tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên với số lượng 17.584 biên chế và 1.693 hợp đồng, tổng cộng 18.277 người với kinh phí nhà nước không phải chi phí khoảng 1.306 tỷ đồng/năm (tính trung bình lương mỗi người 6 triệu đồng/tháng).
Đối với tuyến y tế địa phương, tính đến hết tháng 10/2017, có 70/2.040 đơn vị tuyến tỉnh, thành phố đã tự chủ kinh phí thường xuyên, với khoảng 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước, tiết kiệm khoảng 2.520 tỷ/năm (tính trung bình lương 6 triệu đồng/người/tháng).
Ở tuyến huyện, có 202/420 đơn vị tổ chức thực hiện hợp nhất Trung tâm Y tế huyện và bệnh viện huyện thành Trung tâm y tế huyện. Nếu hợp nhất 420 Trung tâm y tế huyện và 420 bệnh viện đa khoa huyện, riêng ngân sách nhà nước chi cho lãnh đạo 840 đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ giảm 121 tỷ/năm. Đồng thời sẽ giảm được số lượng người làm hành chính khoảng 10.899 người (lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán…), ngân sách sẽ không phải chi khoảng 784 tỷ đồng/năm.
Chủ trương của ngành y tế là sẽ tập trung chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu cho người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở. Chủ trương này được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tác: Nghị quyết TW 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 20) xác định, y tế cơ sở vẫn là nền tảng để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.
Vì vậy, về nguyên tắc, nhà nước sẽ vẫn bảo đảm công tác dự phòng và y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, Bộ rất ủng hộ và khuyến khích tuyến y tế cơ sở tiến tới tự chủ và tự chủ thường xuyên kinh phí.
Hiện nay, có một số bệnh viện huyện đã tự chủ về kinh phí, như bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu (Nam Định) đã tự chủ về kinh phí gần 1 năm nay.
Cảm ơn ông!
Theo ông Phạm Văn Tác, khó khăn nhất của các địa phương khi thực hiện Thông tư 51 là công tác giải quyết cán bộ. Nếu tỉnh nào thực hiện quyết liệt và công khai, minh bạch thì hiệu quả rõ rệt. Cả nước, còn khoảng 25 tỉnh chưa triển khai thực hiện nhưng đã có lộ trình. Theo lộ trình của các địa phương sẽ hoàn thành việc thực hiện sáp nhập theo Thông tư 51 vào năm 2019, nhằm ổn định công tác cán bộ trước khi Đại hội cho nhiệm kỳ mới. Đối với những tỉnh đang triển khai sáp nhập (38 tỉnh, thành), Bộ Y tế vẫn có các đoàn giám sát kiểm tra và hỗ trợ các địa phương nếu cần thiết. |