In bài viết

Sắp xếp vị trí việc làm thế nào khi lái xe trở thành... cử nhân luật?

(Chinhphu.vn) - Chiều 25/6, thảo luận về Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, đại biểu Quốc hội nêu nhiều thực tế trong quá trình vận dụng chính sách cải cách tiền lương hiện nay cần được làm rõ.

26/06/2024 11:20
Sắp xếp vị trí việc làm thế nào khi lái xe trở thành... cử nhân luật?- Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Xã hội về cải cách tiền lương - Ảnh: VGP/LS

Khi lái xe trở thành... cử nhân luật

Cho rằng đề xuất của Chính phủ trong việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 01/7 tới đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng nhận thấy, đã bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển.

Phân tích cụ thể, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 30%, là tương đương với tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Lý lẽ bởi, cán bộ, công chức được tăng 30 % tiền lương cơ sở thì đã phải đóng mất 8% cho bảo hiểm xã hội, nên mức lương thực nhận còn 22%.

Trong khi đó, người hưởng lương hưu được tăng 15% đã không phải đóng bảo hiểm xã hội, nên được hưởng nguyên phần tăng thêm này. "Như vậy, đề xuất điều chỉnh lương cơ bản lần này của Chính phủ là tương đối hợp lý, không có khoảng cách lớn giữa điều chỉnh mức lương cở sở ở khu vực công với tiền lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Nếu nói con số tuyệt đối là tương đối lớn, nhưng đi vào phân tích chi tiết, cẩn thận thì sẽ thấy hợp lý", đại biểu nói.

Một số người khi tuyển vào là lái xe, nhưng sau một thời gian họ đã trở thành cử nhân luật thì sắp xếp theo vị trí việc làm thế nào, tính lương thế nào cho phù hợp?

Đó là băn khoăn của đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn TP. Hà Nội) tại thảo luận ở tổ chiều 25/6 về nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Đánh giá cao về nội dung tăng lương theo tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết, việc tăng lương tại thời điểm này là phù hợp và đảm bảo được mức thu nhập ổn định, qua đó đông viên cán bộ, viên chức, người lao động làm việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Xuân Cừ cũng nêu một số băn khoăn, bởi qua thực tiễn thời gian qua nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị mới thành lập cốt tuyển đủ người thôi chứ không tuyển người theo chuyên môn, theo vị trí việc làm.

"Hiện nay đã xác định được vị trí việc làm thì mới thấy thiếu một đống người không làm được việc, làm không đúng chuyên môn, nhưng cũng thừa một đống người vì không biết làm gì. Và để cải cách tiền lương thì cần phải tích cực tinh giản biên chế. Có đơn vị thừa đến hàng trăm người nhưng kể từ năm 2020 đến nay cũng không tinh giản biên chế được. Cũng có một số người khi tuyển vào là lái xe, nhưng đến bây giờ họ đã trở thành cử nhân luật. Bây giờ mà xếp họ vào vị trí luật là rất bí và cũng không dám bố trí việc khác hoặc tinh giản biên chế đối với họ", đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết.

Tăng lương phải kiểm soát tăng giá bất hợp lý

Trong khi đó, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) đề nghị, khi điều chỉnh tăng mức lương cơ bản, lương hưu và trợ cấp thì cần chú ý kiểm soát giá các mặt hàng trên thị trường, tránh lập lại tình trạng "lương tăng thì giá tăng", cuối cùng là lương tăng không được bao nhiêu, làm giảm hiệu quả của việc điều chỉnh mức lương cơ sở.

Về các nội dung khác, đại biểu Lý Anh Thư cho biết, khi tiếp xúc cử tri và những đối tượng nhận trợ cấp xã hội thì đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình với mức tăng bảo trợ xã hội 500 nghìn đồng.

Đại biểu cho rằng, mức tăng bảo trợ xã hội như vậy ở thời điểm này là phù hợp với cái mặt bằng chung của cuộc sống. Đưa ra nhận định này, đại biểu lý giải, trong thời gian tới Chính phủ cũng có lộ trình từng bước tăng dần trợ cấp xã hội để phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời điểm. 

Cùng với đó, Chính phủ sẽ triển khai chính sách hỗ trợ thêm với những đối tượng không có khả năng thoát nghèo.

Lê Sơn