In bài viết

SCIC - nhà đầu tư của Chính phủ: Đi tìm nguồn lực cho tín dụng xanh

(Chinhphu.vn) - Để hướng tới tăng trưởng xanh, doanh nghiệp, nền kinh tế cần tăng cường huy động nguồn lực thực hiện dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở. Với mục tiêu trở thành nhà đầu tư hiệu quả của Chính phủ, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra nhiều giải pháp để trở thành "bà đỡ" cho dòng tín dụng xanh vào Việt Nam.

22/12/2022 17:18
SCIC nhà đầu tư Chính phủ: Đi tìm nguồn lực cho tín dụng xanh - Ảnh 1.

SCIC đầu tư vào nhiều DNNN lớn, như đầu tư mua cổ phần của Vietnam Airlines năm 2021 - Ảnh: VGP/LS

SCIC huy động vốn cho ngành kinh tế trọng điểm

Để tìm giải pháp cho nguồn vốn hướng tới tăng trưởng xanh, mới đây, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC vừa phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế "Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước".

Phát biểu tai hội nghị, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, hội nghị nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực mà các cơ quan Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển và kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp. Trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, SCIC cũng như các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy vai trò và tiềm lực để đi tiên phong trong đối thoại, thương thảo với đối tác quốc tế thu hút nhiều hơn nguồn vốn tiềm năng, có chất lượng của các quỹ đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh cho nền kinh tế Việt Nam. 

Thời gian gần đây, SCIC cũng đang tích cực kết nối với các quỹ đầu tư quốc gia các nước tìm kiếm cơ hội để cùng hợp tác đầu tư thu hút nguồn tài chính xanh vào Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo động lực, sức lan tỏa cho tăng trưởng bền vững. 

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Và hội nghị lần này là một trong các hoạt động triển khai cam kết này.

Theo dự thảo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, dự kiến từ năm 2026, SCIC sẽ chuyển đổi hoạt động theo mô hình quỹ đầu tư để thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư của Chính phủ. Theo lãnh đạo SCIC, với vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, SCIC sẽ tập trung đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm mà Nhà nước cần tập trung đầu tư và nắm giữ chi phối. SCIC đầu tư nguồn lực tài chính cho một số DNNN quy mô lớn có vai trò dẫn dắt; đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ. 

SCIC đầu tư vào các doanh nghiệp (thuộc các thành phần kinh tế) hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hướng nặng nề của dịch COVID-19 để tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. SCIC kết nối, hợp tác với các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính trên thế giới để huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế; cùng SCIC thành lập các quỹ đầu tư chuyên ngành để đầu tư vào ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ phối hợp cùng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số tổng công ty Nhà nước khác để huy động vốn và thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm mà Nhà nước đầu tư và nắm giữ chi phối. Khi tham gia đầu tư, SCIC - với vai trò là nhà đầu tư tài chính, phối hợp cùng các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước - với vai trò là nhà đầu tư chuyên ngành (như cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, đường cao tốc; năng lượng; viễn thông; công nghệ mới...) thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả; thực hiện tăng vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước… thông qua đó tạo động lực mở đường, dẫn dắt, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội", lãnh đạo SCIC chia sẻ.

Tín dụng xanh góp phần đẩy mạnh thoái vốn DNNN

Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc Văn phòng đại diện Tập đoàn VinaCapital tại Hà Nội cho rằng, khi Việt Nam có mô hình quỹ đầu tư Chính phủ là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Các dự án hướng tới tăng trưởng xanh có nhiều yếu tố liên quan trách nhiệm đầu tư, phát thải, môi trường khiến thời gian thu hồi vốn kéo dài. Điều này khiến dự án tăng trưởng xanh khó trông chờ nguồn vốn vay ngân hàng hoặc quỹ đầu tư thông thường.

Ông Đặng Hồng Quang đánh giá: "Quỹ đầu tư Chính phủ sẽ có điều kiện thuận lợi và nguồn vốn để định hướng huy động vốn cho dự án tăng trưởng xanh. Trong quá trình tham gia một số dự án tăng trưởng xanh, chúng tôi nhận thấy việc huy động vốn khá khó khăn. Tôi nghĩ rằng, có thêm quỹ đầu tư của Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2030, Việt Nam định hướng thực hiện nhiều dự án tăng trưởng xanh nên việc ra đời quỹ đầu tư Chính phủ cần sớm thực hiện".

Ông Alain Cany, Giám đốc quốc gia Quỹ Jardines Matherson cho rằng, với định hướng trở thành quỹ đầu tư thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, thời gian tới SCIC cần tăng cường tương tác, tăng cường quản trị để từng bước đưa ra cách làm hay. Với điều hành tốt, SCIC đã đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia. Nguồn nhân lực SCIC có chất lượng cao.

Với vai trò đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Alain Cany khuyến nghị SCIC cần tái cơ cấu lại DNNN và làm sao để các doanh nghiệp này hấp dẫn hơn, có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng hay niêm yết trên sàn chứng khoán để thu hút nhà đầu tư.

"Là một doanh nghiệp nắm giữ số lượng DNNN lớn hiện nay, tôi nghĩ SCIC là một trong những doanh nghiệp phù hợp nhất để trở thành quỹ đầu tư thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ", ông Alain Cany đánh giá.

Ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành ban hành nhiều chính sách đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Năm 2022, SCIC thoái vốn thành công tại 21 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn thu về đạt 1.130 tỷ đồng và thặng dư vốn đạt 888 tỷ đồng. Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong tái cơ cấu, thoái vốn doanh nghiệp.

"Với tập đoàn, tổng công ty, chúng tôi có định hướng nắm giữ vốn lâu dài hoặc có tồn tại, vướng mắc cần giải quyết. Một mặt SCIC yêu cầu xây dựng đề án tái cơ cấu riêng, trong đó, chú trọng phát triển bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa trước khi Nhà nước tái cơ cấu, thoái vốn. Mặt khác, với vai trò là cổ đông lớn tại doanh nghiệp, thông qua người đại diện, SCIC yêu cầu doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, tiệm cận với thế giới, cũng như yêu cầu doanh nghiệp áp dụng biện giải pháp đảm bảo phát triển bền vững. Ví dụ như giải pháp về kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hài hoà giữa mục tiêu phát triển kinh tế với xã hội và đảm bảo an toàn môi trường", ông Lê Thanh Tuấn cho biết.

Lê Sơn