Dự án đang phải dừng thi công vì những yếu kém. Ảnh VGP |
Trước đó vào ngày 17/4, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đề nghị Tisco bổ sung nội dung thông qua phương án rút vốn (1.000 tỷ đồng) của SCIC theo phương thức rút vốn làm giảm quy mô vốn điều lệ vào Chương trình Đại hội cổ đông thường niên của Tisco năm 2017 diễn ra vào ngày 20/4.
1.000 tỷ đồng này là giá trị số cổ phiếu riêng lẻ được Tisco phát hành cho SCIC hồi năm 2015 để tăng vốn, thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án “Cải tạo, mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 khi dự án này khởi động lại. Hiện, Tisco đang gửi có kỳ hạn khoản 1.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam.
Tuy nhiên Dự án này đang phải dừng thi công, hoạt động vì những yếu kém trong quản lý xây dựng và vận hành, khiến tổng mức đầu tư bị đội lên rất nhiều nên số vốn này vẫn bị đóng băng trên tài khoản ngân hàng. Vào cuối năm ngoái, Chính phủ đã đưa Dự án này vào danh sách 12 dự án, nhà máy yếu kém của ngành Công Thương cần phải sớm được xử lý, tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Ban chỉ đạo của Chính phủ trong lần thị sát, tháo gỡ khó khăn cho Dự án hồi tháng 1/2017 tại Thái Nguyên. Ảnh: VGP/Quốc Thanh |
Việc thực hiện rút 1.000 tỷ đồng của SCIC ra khỏi vốn điều lệ của Tisco là kết quả từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý trách nhiệm của Dự án mở rộng Tisco giai đoạn 2 theo tinh thần “Nhà nước không bỏ thêm tiền để cứu các dự án thua lỗ”.
Được biết, khi có yêu cầu rút 1.000 tỷ đồng vốn này ra khỏi Tisco trong cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Tisco hồi tháng 1/2017 thì ban lãnh đạo doanh nghiệp này mong muốn SCIC rút nhưng không điều chỉnh vốn điều lệ ( đang là 2.840 tỷ đồng). Tuy nhiên đề nghị này đã không được lãnh đạo Chính phủ chấp thuận.
Trong phiên họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, nhà máy ngành Công Thương hồi cuối tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC rút 1.000 tỷ đồng này ra khỏi Tisco càng sớm càng tốt, theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm minh bạch.
Được biết, hiện nay SCIC đã gửi báo cáo về các phương án thực hiện rút 1.000 tỷ đồng trên tới Bộ Tài chính và lãnh đạo Chính phủ. Trong buổi họp báo về hoạt động của SCIC trong Quý I/2017, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi đã nhấn mạnh nhiều lần với các nhà báo rằng việc thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ sẽ phải đảm bảo mục đích cao nhất là bảo toàn và phát triển đồng vốn nhà nước sau khi thoái vốn.
Quốc Thanh