Ảnh minh họa |
Theo Bộ Tài chính, nước ngọt có ga không cồn là nước uống đã được sục khí CO2 bão hòa nhằm tạo cảm giác cay nồng, dễ chịu khiến người uống có giảm giác “đã” khát. Đây là loại thức uống được ưa chuộng phổ biến trên thế giới đặc biệt đối với trẻ em nên một lượng rất lớn nước ngọt có ga không cồn được tiêu thụ hằng năm.
Trong nước ngọt có ga không cồn, ngoài một phần nước tinh khiết hoặc một số loại có thêm nguyên liệu tự nhiên, phần còn lại đều là chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản. Mặc dù những chất công nghiệp này có hàm lượng tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép nhưng nhiều chuyên gia y tế quốc tế đã cảnh báo một số tác hại đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức, như: gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư… Do vậy, việc định hướng tiêu dùng đối với nước ngọt có ga không cồn này là cần thiết, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Bộ Tài chính cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bên cạnh giải pháp như tuyên truyền ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng quá mức nước ngọt có ga không cồn, nhiều nước đã sử dụng công cụ thuế TTĐB và một số nước khác đã và đang đề xuất đánh thuế TTĐB đối với loại đồ uống này.
Qua thống kê có nhiều nước trên thế giới và vùng lãnh thổ áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn nhằm định hướng tiêu dùng loại thức uống này, bao gồm: Hầu hết các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỹ, Hungary, Phần Lan, Ireland…; các nước châu Á: Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia; Châu Mỹ: Mỹ một số bang thu thuế TTĐB như:Arkansas, Tennessee, Virginia, và Tây Virginia.
Để định hướng điều tiết tiêu dùng đối với nước giải khát có ga không cồn và phù hợp với chiến lược cải cách thuế TTĐB là mở rộng đối tượng chịu thuế, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung loại nước này vào đối tượng chịu thuế TTĐB và áp dụng mức thuế suất 10%.
Bộ Tài chính cho biết, theo số liệu báo cáo của các cục thuế thì tổng sản lượng tiêu thụ cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có ga không cồn với giá bán trung bình của nhà sản xuất là 11.987 đồng/lít vì vậy việc thu thuế suất 10% đối với mặt hàng này sẽ không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp (dự kiến thu khoảng gần 2.000/lít nước giải khát có ga). Dự kiến số thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.500 tỷ đồng vào năm 2016 và đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỷ đồng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Thanh Hoài