Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay. Ảnh: Kyodo News |
Ông McClay cho biết một cuộc họp các bộ trưởng đại diện cho 11 quốc gia thành viên TPP có thể diễn ra vào tháng 3 tới tại Chile.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand cũng nói trong các nước thành viên TPP có nhiều quan điểm, song một lựa chọn có thể là tiếp tục tiến tới Hiệp định này ngay cả khi không có Mỹ.
TPP được ký kết tại Auckland, New Zealand, vào tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán. Sau đó, các nước tham gia ký kết có 2 năm để tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo luật pháp từng nước.
Hiệp định thương mại này là một trụ cột của chính sách "xoay trục" sang châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, ngay sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Donald Trump ngày 20/1 vừa qua, Chính phủ mới của Mỹ thông báo nước này sẽ rút khỏi TPP. Mặc dù vậy, nhiều nước thành viên TPP đã khẳng định tiếp tục đưa hiệp định này đến đích cuối cùng.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định này còn lại 11 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Nhật Bản là nước đầu tiên đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn TPP trong nước. Năm 2016, New Zealand đã thông qua luật cho phép chính phủ phê chuẩn TPP.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/2, phát biểu tại Quốc hội Singapore, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang cho rằng một lựa chọn khác để 11 nước xem xét trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP là tiến tới TPP với 11 nước tham gia mà không có Mỹ.
Nhấn mạnh về việc chính quyền mới của Mỹ mong muốn có thêm các thỏa thuận song phương, ông Lim Hng Kiang cho rằng 11 nước còn lại tham gia TPP có thể lựa chọn con đường này.
Singapore hiện đã có các thỏa thuận thương mại tự do song phương với hầu hết các nước tham gia TPP, kể cả với Mỹ và nước này đang cân nhắc tham vấn với các đối tác TPP khác nhằm tìm ra con đường mang lại lợi ích chung trước mắt.
Thanh Phương