Ông Nguyễn Văn Lý cho biết những HSSV sau khi tốt nghiệp chưa tìm được việc làm sẽ được xem xét gia hạn thời gian trả nợ. Ảnh Chinhphu.vn |
Ông Lý cho biết, qua 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, 33.558 tỷ đồng vốn chính sách đã đến với 2,4 triệu học sinh, sinh viên để giúp các bạn trẻ được tiếp tục đến trường, nối tiếp khát vọng và ước mơ học tập.
Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, chương trình đã hỗ trợ cho học sinh, sinh viên vay 621 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn chưa tìm được việc làm, nên chưa có điều kiện trả nợ vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trang trải cho việc học tập. Do đó, Ngân hàng sẽ xem xét gia hạn nợ cho những học sinh, sinh viên đã ra trường nhưng chưa tìm được việc làm.
Theo quy định chung, tùy theo từng khoản nợ, thời gian gia hạn tối đa khoảng 2 năm. Còn đối với những trường hợp đã hết thời gian gia hạn nhưng các bạn trẻ vẫn chưa tìm được việc làm thì ngân hàng sẽ nghiên cứu để có hướng giải quyết phù hợp.
Nhiều sinh viên vay vốn đã được hưởng lãi suất 0%
Ông Lý cho biết thêm, để đồng vốn hỗ trợ được thực sự đến với đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh viên và đảm bảo an toàn nguồn vốn, hạn chế việc không thu hồi được nợ sau khi sinh viên ra trường, Ngân hàng đã triển khai cho vay theo hình thức các gia đình làm đại diện đứng ra vay vốn cho con em học tập. Quy trình cho vay được thực hiện công khai dân chủ, thuận tiện. Do vậy, để đồng vốn đến được với 2,4 triệu bạn trẻ thì 1,9 triệu hộ gia đình đã đứng ra vay cho con em mình.
"Hiện nay, số nợ quá hạn đối với các khoản vay của học sinh, sinh viên chỉ chiếm 0,6%, trong khi đó nợ quá hạn chung là 1,3%. Chỉ tính riêng trong năm 2011 từ chương trình tín dụng, chúng tôi đã thu nợ gần 1.900 tỷ đồng, đạt 100% sinh viên trả nợ đúng hạn", ông Lý chia sẻ.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội còn áp dụng phương pháp gia đình nào trả nợ trước thời hạn thì được giảm lãi suất. Do đó, nhiều gia đình vay vốn đã được thụ hưởng lãi suất ưu đãi 0% khi trả nợ trước thời hạn các khoản vay cho con em đi học.
2,4 triệu sinh viên được vay vốn học tập. Ảnh minh họa |
Về mức vốn vay, hiện nay theo Quyết định số 853/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay tối đa là 1.000.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Theo tính toán, chi phí bình quân để đảm bảo cho học sinh, sinh viên học tập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, số tiền trên đã giúp được các em trang trải khoảng 40% nhu cầu.
Ông Lý giải thích: Trong khi Nhà nước chưa có nhiều vốn thì mức hỗ trợ trên đã đáp ứng phần nào nhu cầu kinh phí học tập của sinh viên. Đồng thời, mức vốn này cũng đòi hỏi các gia đình và bản thân sinh viên phải tiết kiệm chi phí sinh hoạt và nỗ lực lao động, học tập. Sau khi sinh viên ra trường cũng phải có trách nhiệm lao động để hoàn trả số tiền đã vay.
Ông Lý cho rằng với 1 sinh viên hiện nay, nếu vay vốn trong suốt 4 – 5 năm học thì sau khi ra trường sẽ phải ghánh 1 khoảng nợ 40 – 50 triệu đồng cho bản thân và gia đình nên mức cho vay chỉ 1.000.000 đồng/tháng cũng là hợp lý. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng chính sách và các bộ ngành khi giá cả thị trường hoặc mức học phí có thay đổi lớn thì mức vay này được xem xét điều chỉnh phù hợp.
Đức Mạnh – Trần Thơm thực hiện
Tin liên quan:
>> Để Chương trình tín dụng HSSV đạt hiệu quả cao
>> Vốn tín dụng ưu đãi – đòn bẩy của học sinh nghèo
>> Giải quyết việc chậm giải ngân tiền vay tín dụng HSSV