In bài viết

Sẽ mở rộng hợp tác 'công-tư' để phát triển nông nghiệp

(Chinhphu.vn) – Sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ mở rộng hợp tác “công-tư”, mời các doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu giống. “Với sự tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học, cộng với sự năng động về thị trường của doanh nghiệp, mới có thể nâng tầm chúng ta lên được, chứ mỗi bên cứ chờ đợi nhau sẽ rất khó".

26/10/2021 15:55

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại đầu cầu Bộ NN&PTNT. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Tọa đàm "Đối thoại cùng các 'vua nông sản' Việt", do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 26/10.

Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản đã nêu ra nhiều vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp hỗ trợ các ngành hàng vượt qua khó khăn của dịch COVID-19.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, đợt dịch vừa qua, hàng tồn đọng của Công ty rất nhiều. “Trứng gà phải giảm giá, khuyến mại mua 1 tặng 1, bán cho các ban, ngành, đoàn thể. Thịt và trứng vịt còn đưa vào trữ lạnh và làm trứng muối. Mọi đầu vào từ bao bì, thức ăn đều tăng 20-30%, có loại 40-50% nhưng giá sản phẩm bán ra giảm sâu đến 30-40%, vì vậy rất cần các giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi”, bà Huân nhấn mạnh.

Tuy vậy, bà Phạm Thị Huân vẫn tin tưởng vào tương lai của ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng: “Sau cơn lũ thì phù sa lại về, sau khó khăn thì cơ hội sẽ đến".

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group nhìn nhận, tiềm năng phát triển nông sản của Việt Nam rất lớn nên phải tính đến cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Muốn phát triển nông sản cho giá trị cao cần có những nhà máy chế biến, điều này không chỉ cần doanh nghiệp vào cuộc mà cả chính quyền địa phương.

Dẫn chứng điều này, ông Thông chia sẻ câu chuyện Phúc Sinh Group đầu tư chế biến cà phê tại Sơn La. “Khi tôi lên Sơn La thì khá bất ngờ khi ở đây trồng nhiều cà phê, nhưng cà phê Sơn La không tên tuổi. Chúng tôi là doanh nghiệp 100% vốn tư nhân nên bỏ tiền túi đầu tư phải tính toán rất kỹ. Sau khi được gặp lãnh đạo tỉnh Sơn La, thống nhất các phương án, chúng tôi đã đầu tư nhà máy chế biến cà phê ở đây rất hiệu quả. Khi đầu tư chế biến, có thể mang lại giá trị thương mại toàn diện cho cây cà phê và nhiều loại cây trồng khác. Ví dụ cà phê bán 2 USD/kg thì vỏ cà phê chế biến thành sản phẩm khác xuất khẩu với giá 16 USD/kg. Từ đó cũng thu hút nhiều doanh nghiệp khác cùng vào đầu tư”, ông Thông kể lại.

Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, thời gian qua đã có nhiều diễn đàn, nhưng chưa có dịp để các bên (doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, người sản xuất) thật sự ngồi lại để tương tác, cùng nhau tìm ra mô hình giúp chính sách của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đi đúng vào đường hướng của mỗi doanh nghiệp. “Doanh nghiệp chính là thị trường, chỉ khi chính sách thực sự song hành với phát triển của doanh nghiệp thì chính sách mới có hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đỗ Hương