In bài viết

Sẽ mở rộng việc xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng

(Chinhphu.vn) – Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị Nhà nước tạo điều kiện cho những trường hợp mất hồ sơ gốc được hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ chính sách theo quy định.

13/09/2017 15:02

Đồng thời, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung giải quyết chế độ chính sách, tăng mức hỗ trợ cho thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc.

Về vấn đề này, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Đã tăng mức trợ cấp cho TNXP

Về giải quyết chế độ chính sách và tăng mức hỗ trợ cho thanh niên xung phong (TNXP):

TNXP theo từng trường hợp được hưởng chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó TNXP được hưởng trợ cấp một lần, trường hợp sống cô đơn, không nơi nương tựa được trợ cấp hàng tháng, ngoài ra còn được Nhà nước mua BHYT, khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí.

Ngoài ra, tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, thì TNXP (nếu đủ điều kiện) được xét trợ cấp hàng tháng mức 360.000 đồng.

Ngày 21/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thay thế các Nghị định nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 29/2016/QĐ-TTg ngày 5/7/2016 về điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, theo đó mức trợ cấp hàng tháng đối với TNXP từ 360.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng (kể từ ngày 1/1/2016).

Về chính sách cho người tham gia kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, do kiến nghị của cử tri chưa cụ thể nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có cơ sở để trả lời, nếu người tham gia kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc bị thương, hy sinh thì thực hiện theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; ngoài ra đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc còn được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chế độ BHYT, mai táng phí theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Nghiên cứu, mở rộng xác nhận hồ sơ tồn đọng cho các đối tượng khác

Về hướng dẫn những trường hợp mất hồ sơ gốc để tạo điều kiện cho các đối tượng hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc.

Kết quả đợt thí điểm tại 5 tỉnh trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên (khoảng 5.900 hồ sơ).

Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ thuộc đối tượng này.

Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là vấn đề phức tạp, vì nhân chứng hầu như không còn, hồ sơ thất lạc, không có giấy tờ, căn cứ chứng minh. Vì vậy, các bước tiến hành cần thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao sự giám sát của nhân dân, cơ quan báo chí.

Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Trên cơ sở kết quả thực hiện việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ từng bước nghiên cứu, mở rộng việc xác nhận hồ sơ tồn đọng đối với các đối tượng khác.

Chinhphu.vn