In bài viết

Sẽ tính điểm đổi mới sáng tạo ở các địa phương

(Chinhphu.vn) - Tại nhiều địa phương, vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo rõ nét, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nhưng nhiều nơi còn “mờ nhạt”. Bộ KH&CN sẽ tổ chức thí điểm tính Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.

18/03/2022 08:58

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chung sức, đồng lòng tạo nên bứt phá mới trong năng suất lao động

Hoàn thiện thể chế để toàn dân tham gia đổi mới sáng tạo

Bổ sung nội hàm về ‘đổi mới sáng tạo’ - cầu nối đưa KHCN vào cuộc sống

Sẽ tính điểm đổi mới sáng tạo ở các địa phương - Ảnh 1.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết: Bộ KH&CN sẽ tổ chức thí điểm tính Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh ở một số địa phương, có tính đại diện cho cả 7 vùng kinh tế của cả nước - Ảnh: VGP/HG

Việt Nam tăng bậc trong bảng chỉ số xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu

Việc tính toán này không chỉ là xếp hạng giữa các tỉnh, thành phố, mà còn là công cụ để mỗi tỉnh biết được điểm mạnh, điểm yếu về KH&CN và đổi mới sáng tạo của từng tỉnh để có căn cứ cải thiện các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết như trên tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2022 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tại Bắc Giang, chiều 17/3.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nền kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao, GDP năm 2021 tăng 2,58%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45%... Trong những kết quả chung đó có sự đóng góp rất tích cực của ngành KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN ở các địa phương nói riêng

Theo bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc, so với thứ hạng 42 năm 2020, sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam. 

Việt Nam giữ vị trí xếp hạng về đầu ra đổi mới sáng tạo là 38 và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc, từ 62 lên 60 so với năm 2020.

KH&CN và đổi mới sáng tạo là giải pháp đột phá

Đề cập đến 2 Nghị quyết rất quan trọng của Chính phủ ban hành vào đầu năm nay là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong các Nghị quyết này, nội hàm về KH&CN và đổi mới sáng tạo được đề cập đến rất nhiều.

"Có thể nói Chính phủ đã coi KH&CN và đổi mới sáng tạo là giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; đồng thời ở cả trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ KHCN) cho biết, thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, Bộ KH&CN đã ban hành chương trình hành động, đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 82 nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm.

Ngoại trừ nhóm nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu KH&CN phòng chống COVID-19 và nghiên cứu lý luận, an ninh quốc phòng thì 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần có sự phối hợp của các địa phương.

Nghiêm túc thực hiện 2 Nghị quyết trên, Bộ KH&CN đang tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách Nhà nước; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo; sửa đổi các thông tư quản lý nhiệm vụ KH&CN, các thông tư quản lý và hướng dẫn tài chính cho các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm…

Báo cáo của Bộ KH&CN cũng cho thấy, trong năm 2021, các Sở KH&CN đã tham mưu cho tỉnh/thành ủy, HĐND, UBND các địa phương ban hành được hơn 600 văn bản, trong đó có 47 chỉ thị, nghị quyết; hơn 200 chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, nhiều cơ chế chính sách có tính đột phá ở các lĩnh vực như: Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chính sách phát triển tài sản trí tuệ, chuyển đổi số…

Sẽ tính điểm đổi mới sáng tạo ở các địa phương - Ảnh 2.

Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2022 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức - Ảnh: VGP/HG

Không để địa phương phải "chờ"

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá về những thuân lợi, khó khăn vướng mắc, chia sẻ những bài học kinh nghiệm của các địa phương cũng như để xuất các giải pháp phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo ở từng địa phương, từng vùng và trên phạm vi quốc gia.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn mong muốn Bộ KH&CN sớm thể chế hóa các chủ trương, tư tưởng, định hướng lớn về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo như: Quan điểm chấp nhận rủi ro, tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, lấy doanh nghiẹp làm trung tâm, đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển kinh tế.

"Có một số văn bản khi Thủ tướng đã ban hành, sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính, địa phương đã khẩn trương triển khai kế hoạch, chương trình, tuy nhiên lại chưa có hướng dẫn của Bộ KH&CN để thực hiện", ông Nguyễn Hồng Sơn nêu thực tế.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội đề nghị Bộ KH&CN cần chủ động hơn nữa đẩy nhanh việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền, bảo đảm đồng bộ với các chính sách của Trung ương, để các địa phương không phải "chờ".

Còn theo Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế Hồ Thắng, hiện nay, tại một số địa phương, vai trò của KH&CN bị "lu mờ", nhiều nhu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cần vào sự vào cuộc của KH&CN thì ngành lại chưa đáp ứng kịp thời.

Theo ông Hồ Thắng, cơ hội để phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự rất lớn khi nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đã ban hành, nếu biết nắm bắt cơ hội này thì tiếng nói của ngành KH&CN sẽ mạnh mẽ hơn.

Để hỗ trợ các địa phương, Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ KH&CN tham mưu Chính phủ có đề án trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để đầu tư phát triển các lĩnh vực KH&CN trọng điểm của quốc gia, trong đó hỗ trợ địa phương ở một số lĩnh vực, bởi có cơ chế đặc thù thì mới có đột phá.

Lắng nghe ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ tiếp thu, xử lý.

Năm nay, ngành KH&CN sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi. Từ đây đến cuối nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 4 luật nữa (Luật KH&CN, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử).

Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các Sở KH&CN quan tâm, chỉ đạo việc tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai các luật trên, cũng như đề xuất, kiến nghị các quy định cần đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung. Đây là việc quan trọng, tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong nhiều năm tới.

Ngoài ra, Chiến lược phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đang được Chính phủ xem xét sớm ban hành nên các địa phương quan tâm thực hiện ngay trong năm nay bằng các kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, tháng 4 năm nay, Bộ KH&CN sẽ báo cáo Bộ Chính trị Đề án phát triển công nghệ sinh học cho giai đoạn tới. Dự kiến Trung ương sẽ ban hành một nghị quyết riêng về nội dung này. Đây là một trong những chủ trương lớn của Trung ương trong lĩnh vực KH&CN, nên các Sở KH&CN địa phương cần tham mưu các tỉnh, thành ủy tổ chức triển khai Nghị quyết này sau khi được ban hành.

Ngoài ra, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chọn năm 2022 là Năm quốc tế khoa học cơ bản vì phát triển bền vững. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ trì tổ chức Ngày hưởng ứng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới (21/4 hằng năm).

Bộ trưởng đề nghị các Sở KH&CN quan tâm đến hai sự kiện này để chủ trì tổ chức ở các địa phương hiệu quả, tiết kiệm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Hoàng Giang