Tại Hội thảo Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 30/11 tại Thừa Thiên Huế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, thách thức của hệ thống khám chữa bệnh sau dịch COVID-19 là nhân lực y tế biến động, thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất khó khăn… trong khi nhu cầu người dân khám chữa bệnh ngày càng tăng và đòi hỏi ngày càng cao.
Bên cạnh đó, do mô hình bệnh tật kép: Vừa kiểm soát, điều trị các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ,… vừa phải quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng bệnh viện càng cần phải được quan tâm.
"Chúng tôi đã triển khai rất kỹ Thông tư về an toàn người bệnh và có khảo sát, đánh giá điều tra một số nguyên nhân gây tai biến y khoa. Tai biến y khoa là một trong những sai sót mà khó có thể tránh khỏi trong quá trình hành nghề.
Khi xây dựng Thông tư về an toàn người bệnh, chúng tôi căn cứ vào nhiều nguyên nhân, từ đó xây dựng các giải pháp, phòng ngừa, phát hiện sớm.
Những bệnh viện nào có nhiều sáng kiến thì được khen thưởng, chứ không để xảy ra hậu quả thì mới có kiểm điểm, kỷ luật…", PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng cho biết, Hội nghị là cơ hội để nhắc lại các cán bộ làm công tác y tế trong toàn hệ thống thực hiện đúng quy chế chuyên môn, hướng dẫn của Bộ Y tế, nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh. Những tai biến y khoa, sai sót chuyên môn không chỉ là vấn đề chuyên môn mà sau đó còn là vấn đề tâm lý, xã hội và chính trị mà các cán bộ làm chất lượng bệnh viện phải đặc biệt lưu ý.
"Cải tiến chất lượng phải từ những điều nhỏ nhất và thay đổi hằng ngày. Lãnh đạo bệnh viện phải nghiêm túc quan tâm vấn đề cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, sống còn với sự phát triển bệnh viện", Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc bệnh nhân cần điều trị, cần phải làm xét nghiệm nhưng bệnh viện chưa đáp ứng được hoặc phải chuyển bệnh nhân sang cơ sở khác, thậm chí bệnh nhân phải mua thuốc ở bên ngoài bệnh viện, vì bệnh viện thiếu thuốc nhưng không thể không điều trị, là những điều khiến người bệnh không hài lòng trong thời gian qua.
Lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ triển khai việc xét tặng Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện lần đầu tiên vào năm 2023. Hiện, Bộ Y tế đã có thông tư quy định việc xét tặng giải thưởng này.
Ngoài ra, còn có các giải thưởng chuyên đề về an toàn người bệnh, an toàn phẫu thuật, chất lượng lâm sàng, chất lượng xét nghiệm, công tác dược bệnh viện, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phát triển nguồn nhân lực y tế, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và giải thưởng về đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Dự kiến, Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện sẽ được tổ chức xét tặng 2 năm/lần và công bố vào dịp chào mừng Ngày Tiêu chuẩn thế giới (ngày 14/10).
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, tiêu chuẩn tối thiểu để được xét tặng giải thường này là bệnh viện phải đạt kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện tối thiểu là 4 điểm và không có tiêu chí nào ở dưới mức 3 điểm trong ít nhất 2 năm liên tiếp tính đến thời điểm đề nghị xét tặng. Bệnh viện phải triển khai hệ thống báo cáo sự cố y khoa bắt buộc và tự nguyện; không có sai sót chuyên môn dẫn đến tử vong.
Bệnh viện phải tổ chức thực hiện việc khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đạt tỉ lệ hài lòng người bệnh, nhân viên y tế từ 85% trở lên...
Hiền Minh