Ảnh minh họa |
Năm nay, việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh sớm hơn mọi năm 2 tháng để sớm ổn định tư tưởng, tập trung ôn thi tốt nhất sau khi đã xác định được mục tiêu. Để tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, sau khi có kết quả kỳ thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng.
Tuy nhiên, bà Phụng lưu ý, mục đích chủ yếu của việc điều chỉnh nguyện vọng là giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển, xác định lại trường đăng ký phù hợp với kết quả thi của mình, cũng là để lựa chọn những ngành phù hợp với năng lực sở trường và nguyện vọng yêu thích của mình. Và “Chỉ có thí sinh mới được điều chỉnh. Còn các trường khi đã công bố đề án tuyển sinh thì phải thực hiện đúng như vậy”.
Bà Phụng cũng khuyên các thí sinh nếu như có điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi cũng nên đọc kỹ đề án tuyển sinh của mỗi trường bởi trong đó cung cấp những thông tin giúp thí sinh có cơ sở để đưa ra quyết định lựa chọn trường phù hợp nhất.
“Năm nay, Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ rất tích cực thông tin và phần mềm trong công tác xét tuyển cho các trường. Vì vậy, nếu các trường tuyển vượt chỉ tiêu nhiều thì chắc chắn Bộ sẽ xử lý mạnh tay, kiên quyết hơn”, bà Phụng nhấn mạnh.
Các trường cũng phải chủ động khai thác thông tin trên mạng của Bộ GD&ĐT; tự chủ động làm và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của trường mình. Bên cạnh đó, các trường cũng được tự nguyện phối hợp với nhau thành nhóm xét tuyển để được Bộ hỗ trợ về thông tin, phần mềm.
Đến thời điểm này, nhóm xét tuyển phía Bắc đã có 57 trường đại học tham gia và nhóm phía Nam có 72 trường tham gia. Đây là con số nhiều hơn Bộ dự kiến.
Bà Phụng thông tin thêm, từ năm 2018 trở đi, trong đề án tuyển sinh của mình, các trường phải quy định tỷ suất đầu tư cho một sinh viên ra sao, tỷ lệ việc làm cho các sinh viên trong những năm qua như thế nào, điểm sàn các trường tự xác định...
BP