Ông Trần Tùng Chuẩn, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hưng Yên cho biết, Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với nhãn lồng, tương bần mà còn được nhiều người biết đến với sản vật sen.
Cây sen có nhiều giá trị quan trọng như: Giá trị kinh tế, giá trị trong y học, giá trị văn hóa, du lịch, tâm linh,… Sen là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nên được trồng nhiều và gắn bó với người dân từ nhiều năm qua. Không giống như trong Đồng Tháp Mười, bông sen ở Hưng Yên không to, có màu hồng đậm hơn.
Hiện nay, sen được trồng nhiều ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ và một số địa phương khác. Khoảng tháng 6 âm lịch, người dân bắt đầu thu hoạch hạt sen. Không chỉ bán hoa sen, bát sen, hạt sen, các bộ phận khác của cây sen như: tâm, nhụy, lá, ngó sen cũng có thể bán được đem lại thu nhập cao cho người dân.
Bên cạnh việc bán sen tươi, hạt sen sấy khô đã qua sơ chế cũng là sản phẩm nổi tiếng Hưng Yên. Hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm từ sen trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng. Tiềm năng về thị trường của sen và các sản phẩm chế biến từ sen là rất cao như: Thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường khác.
Năm 2022, được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, Sở KHCN đã phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai nhiệm vụ "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sen Hưng Yên dùng cho các sản phẩm từ sen của tỉnh Hưng Yên".
Để sen Hưng Yên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, các ngành chức năng đã điều tra, khảo sát hiện trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ sen; xây dựng mẫu biểu tượng nhãn hiệu; xác định các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sen Hưng Yên"; thu thập, lấy mẫu phân tích hàm lượng một số chất trong các sản phẩm từ sen...
Ngày 23/8/2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sen Hưng Yên". Trước khi sản phẩm sen Hưng Yên được bảo hộ, tỉnh Hưng Yên đã bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 29 sản phẩm tiêu biểu, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý "Hưng Yên" cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên; 11 nhãn hiệu chứng nhận và 17 nhãn hiệu tập thể.
Thời gian tới, Sở KHCN tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục phối hợp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học, các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu KHCN trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản để nâng cao năng xuất và hiệu quả kinh tế, áp dụng phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, mã số mã vạch.
Đồng thời thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu, tổ chức chứng nhận, quản lý nhãn hiệu trong việc cấp quyền sử dụng, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hoàng Giang