Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang cải tạo bãi Chữ thập ở Biển Đông. Ảnh CSIS |
Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 14 diễn ra vào tối 29/5, với tư cách là khách mời đặc biệt, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã trình bày rõ quan điểm của Singapore về vấn đề Biển Đông.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, tất cả các nước châu Á đều thua thiệt nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa bởi các tuyến đường giao thông hàng hải và hàng không chính đều qua Biển Đông.
Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi Trung Quốc và ASEAN cần sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Ông cũng cho rằng các bên liên quan cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp hiện nay.
Theo phóng viên TTXVN, trong bài phát biểu mở màn phiên thảo luận sáng 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi Trung Quốc "ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn" các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực hiện nay "vượt ra ngoài" các chuẩn mực quốc tế. "Mỹ phản đối việc tiếp tục bất cứ hoạt động quân sự hóa nào" tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Mỹ sẽ thiết lập "Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á”; đồng thời cho biết Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn 425 triệu USD cho các nỗ lực xây dựng năng lực trên biển ở Đông Nam Á. Ngân sách trên sẽ được sử dụng trong vòng 5 năm cho các nước trong khu vực để mua sắm “thiết bị, quân nhu, huấn luyện và xây dựng quân đội quy mô nhỏ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi Trung Quốc "ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn" các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ảnh TTXVN |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nêu đề xuất của nước này về "Sáng kiến Đối thoại Shangri La" nhằm tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực. Theo đó, sáng kiến này sẽ tập trung vào ba yếu tố chính, gồm hoàn thiện các quy tắc chung và pháp luật trên biển trong khu vực nhằm thúc đẩy việc đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy các cuộc tập trận chung, cũng như xem xét các biện pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến tàu ngầm.
Sẽ mất nhiều thứ nếu Biển Đông không ổn định
Tại cuộc họp bên lề Đối thoại chính thức, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cũng đã kêu gọi các nước Đông Nam Á và cả Trung Quốc kết hợp tuần tra Biển Đông “một cách hòa bình” để làm giảm nguy cơ xung đột.
Ông Ryacudu cho rằng việc tuần tra chung sẽ gửi thông điệp cảnh báo “không quốc gia nào được phép tăng cường sức mạnh hoặc đe dọa nước khác” ở Biển Đông.
Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Ryacudu, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng nhấn mạnh “tuần tra chung với Trung Quốc không phải là một điều không thể”.
Ông Hishammuddin nói: “Bắc Kinh sẽ mất nhiều thứ nếu Biển Đông không ổn định. Thực tế việc tuần tra kết hợp nhiều quốc gia mang lại hiệu quả tích cực, như chống cướp biển ở eo biển Malacca”.
Đồng thuận với các quan điểm trên, Quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng Ấn Độ Rao Inderjit Singh nhất trí cho rằng các mối đe dọa an ninh trong khu vực châu Á đầy năng động này ngày càng phức tạp và xuất hiện những hình thức mới trong khi vẫn tồn tại những mối đe dọa mang tính truyền thống.
Không nên đẩy căng thẳng đi quá xa
Một loạt các quốc gia khác cũng đã bày tỏ lo ngại về những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông và nhất trí vấn đề này cần phải được giải quyết trên cơ sở đối thoại.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nhấn mạnh: "Những gì chúng tôi rút ra bài học ở châu Âu là không nên đẩy căng thẳng đi quá xa mà cần giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, thông qua quan hệ đối tác, thông qua các điều ước quốc tế chứ không phải chỉ bằng việc đáp trả lẫn nhau bằng lời nói hay bằng các hành động đơn phương”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cũng cho rằng các nước cần giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. New Zealand sẽ cùng với các nước liên quan tìm kiếm cách thức xử lý tranh chấp tại khu vực này.
Ông Brownlee nêu rõ "Biển Đông là một trong những tuyến giao thông hàng hải, hàng không nhộn nhịp nhất trên thế giới và một nửa thương mại của New Zealand là qua đây. Vì vậy, sự tăng cường minh bạch là rất quan trọng khi các hoạt động gia tăng quân sự đang phổ biến ở khu vực. Mặt khác, các nước cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển."
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen kêu gọi các bên kiềm chế, không gia tăng những hành động gây căng thẳng cả trên biển và trên không.
Trung Quốc lý giải
Phát biểu tại Shangri-La 14, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc nhấn mạnh rằng: "Trung Quốc theo đuổi chính sách nhất quán là một cường quốc có trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế... Các nguyên tắc của hiến chương Liên hợp quốc cần phải được tuân thủ và là cách duy nhất để phát triển hòa bình. Hợp tác cùng thắng phải là mục đích cuối cùng hướng tới hòa bình và ổn định".
Ông Tôn Kiến Quốc cho rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông đáp ứng các yêu cầu phòng thủ cần thiết, cải thiện cuộc sống của người sống trên đảo, giúp thực hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế. Ảnh TTXVN |
Đáp lại ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, ông Tôn Kiến Quốc cho rằng hoạt động xây dựng này của Trung Quốc "ngoài việc đáp ứng các yêu cầu phòng thủ cần thiết, cải thiện cuộc sống của những người sống trên đảo, còn giúp thực hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc liên quan tìm kiếm và cứu hộ trên biển, phòng chống thiên tai, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường..."
Trả lời các câu hỏi của đại biểu các nước, mà trọng tâm xoay quanh vấn đề Biển Đông, đại diện Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay "về tổng thể là hòa bình và ổn định" và "Trung Quốc luôn kiềm chế, bảo đảm an ninh an toàn trên biển, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới".
Ông Tôn Kiến Quốc cũng khẳng định Trung Quốc sẽ có trách nhiệm gánh vác cùng các nước trên nguyên tắc coi LHQ là trung tâm để đảm bảo hòa bình, đồng thời các nước cần thúc đẩy lòng tin, tìm ra điểm chung để giải quyết những khác biệt...
Tuy nhiên, những câu hỏi trực diện của nhiều đại biểu về việc Trung Quốc đưa vũ khí tới các đảo tranh chấp cũng như cần một sự giải thích rõ ràng, minh bạch hơn cho những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã không được ông Tôn Kiến Quốc giải đáp với lý do thời gian quá hạn hẹp.
PV (tổng hợp)