In bài viết

SIB thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam dù còn khiêm tốn về số lượng nhưng rất đa dạng và năng động, đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trên nhiều khía cạnh, góp phần xây dựng tương lai bền vững cho mọi người.

27/04/2024 09:24
SIB thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tìm được cuộc sống mới với hỗ trợ từ Hope Box - Ảnh internet.

Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đặt ra tầm nhìn về một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng cho con người và trái đất. Trong đó, tính cân bằng và kết nối giữa yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế luôn được đặt làm trọng tâm. Đây chính là lý do vì sao khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Trong đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nổi bật là các SIB, đang trở thành nhân tố quan trọng trong tiến trình sớm đạt SDGs tại Việt Nam. Những tổ chức này cân bằng giữa sứ mệnh xã hội và mục tiêu lợi nhuận, vừa tạo ra giá trị giúp tăng trưởng kinh doanh vừa mở rộng tác động trực tiếp và lâu dài tới cộng đồng xung quanh.

Hiện nay, ước tính có khoảng hơn 26.000 SIB, chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp và hợp tác xã đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy số lượng khiêm tốn, nhưng mô hình hoạt động này đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực hướng tới một số mục tiêu phát triển bền vững quan trọng của Việt Nam như thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhóm người yếu thế hay thúc đẩy bình đẳng giới.

Nằm trong nhóm các SIB hướng đến mục tiêu về bảo vệ môi trường và đối phó biến đổi khí hậu, Green Connect được biết đến rộng rãi khi ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học nhằm phát triển nông nghiệp bền vững theo triết lý kinh tế tuần hoàn. Sản phẩm nổi bật của SIB này là trứng gà được nuôi thả theo tiêu chuẩn nhân đạo, với thức ăn cho gà sản xuất từ việc nuôi ấu trùng ruồi lính đen bằng rác thải hữu cơ. Từ sáng kiến này, Green Connect góp phần giải quyết bài toán 75% lượng rác thải hữu cơ trên toàn quốc vẫn chưa có cách xử lý triệt để ngoài đốt và chôn lấp.

Bên cạnh đó, Green Connect cũng cho ra mắt một sàn thương mại điện tử xanh với tên gọi NODA nhằm hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông sản hữu cơ, sản phẩm tiêu dùng an toàn cho sức khỏe cũng như môi trường.

Còn Hope Box (tạo công ăn việc làm và giúp ổn định cuộc sống cho phụ nữ từng chịu tổn thương bởi bạo lực gia đình và bạo lực giới) là mục tiêu mà SIB này theo đuổi từ những ngày đầu thành lập. Tại Hope Box, những người phụ nữ bị bạo hành không chỉ được hỗ trợ về việc làm, nhà ở mà còn được trao quyền để cất tiếng nói, thể hiện bản thân cũng như chữa lành vết thương do bạo lực gây ra thông qua các buổi chia sẻ về thiền, yoga chữa lành sâu, tập kickboxing để tăng cường thể lực và tự vệ.

Những tác động tốt từ SIB cũng đang dần thay đổi triết lý kinh doanh của nhiều doanh nghiệp truyền thống, khuyến khích họ tham gia vào hệ sinh thái SIB và cùng mở rộng ảnh hưởng tích cực. Các doanh nghiệp ngày càng nhận ra rằng đầu tư vào bảo vệ môi trường và thúc đẩy tác động xã hội không chỉ là hành động của sự bác ái hay từ thiện mà còn tạo ra giá trị kinh doanh tốt.

Sự thay đổi này được thể hiện qua những hợp tác giữa doanh nghiệp lớn với SIB trên thực tế. Green Connect cùng Công ty Mondelez Kinh Đô và Mondelez International’s Sustainable Futures đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình “Xử lý rác hữu cơ thành gà và trứng gà” cho phép Green Connect có thể thu gom chất thải thực phẩm từ nhà máy Bình Dương của Mondelez Kinh Đô để chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, Hope Box cũng đã được nhiều thương hiệu lớn như Vietnam Airlines, Uniqlo lựa chọn làm đối tác sản xuất các sản phẩm quà tặng mang tính cá nhân hóa. Ngoài ra, còn nhiều SIB khác tại Việt Nam cũng đạt được một số thành công bước đầu khi tìm được đối tác đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị lớn cũng như ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng đó, các SIB Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp do người yếu thế làm chủ hoặc làm việc với người yếu thế (phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nhóm đa dạng giới) vẫn đang gặp nhiều khó khăn để đạt được hai mục tiêu tạo ra lợi nhuận đồng thời tác động tích cực tới xã hội, môi trường. Ba điểm còn khó khăn nhất của SIB bao gồm năng lực quản trị yếu, thiếu khung đo lường và quản lý tác động cũng như khả năng tiếp cận nguồn tài chính còn hạn chế, cản trở tâm lý của cộng đồng - khách hàng.

Cần tiếp tục hỗ trợ nhóm các tổ chức này phát triển mạnh mẽ hơn nữa thông qua các dự án nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh, mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn vốn để hướng tới đạt mục tiêu kép, từ đó tăng tốc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Diệp Anh