In bài viết

Siết chặt quản lý các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe

(Chinhphu.vn) - Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ Giao thông vận tải có biện pháp giám sát và quản lý chặt chẽ đối với những trường dạy lái xe tư thục để đảm bảo cho các học viên sau khi ra trường nắm rõ luật giao thông và lái xe an toàn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

12/05/2014 10:36

Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời cử tri tỉnh Bình Phước như sau:

Chương trình đào tạo thống nhất trên toàn quốc

Trong khoảng thời gian 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực đào tạo lái xe đã huy động được nguồn lực tương đối lớn để xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe.

Đến nay, cả nước có 316 cơ sở đào tạo lái xe ô tô thuộc các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, tư nhân, được đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Trong đó, có 125 cơ sở đào tạo lái xe tư thục.

Tất cả các cơ sở đào tạo lái xe hiện nay đều phải bắt buộc thực hiện chương trình đào tạo, quy trình sát hạch chung, thống nhất trên toàn quốc để được cấp giấy phép lái xe.

Chương trình đào tạo tại tất cả các cơ sở đào tạo công lập, tư thục (tùy theo hạng xe đào tạo được ghi trong giấy phép đào tạo lái xe được cấp) phải thực hiện theo quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 hoặc Điều 27 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 7/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Trong quá trình đào tạo, phải thực hiện đầy đủ các quy định về học, kiểm tra, thi hết môn, thi cuối khóa, cấp chứng chỉ nghề, công tác quản lý đào tạo, lưu trữ theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, chịu sự kiểm tra, giám sát trong quá trình học, thi cuối khóa học của các cơ quan chức năng của Sở Giao thông vận tải và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Không phân biệt cơ sở đào tạo công lập hay tư thục

Về quy trình sát hạch, tất cả các thí sinh sau khi được cấp chứng chỉ nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện quy trình sát hạch theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, nếu đạt sẽ được cấp giấy phép lái xe.

Hiện nay, quá trình sát hạch lý thuyết đối với lái xe ô tô đều thực hiện việc chấm điểm tự động, công khai quá trình làm bài và kết quả của từng học viên tại phòng chờ thi của học viên và phòng Hội đồng thi để mọi người giám sát.

Đối với sát hạch lái xe trong hình (sân sát hạch) thí sinh thực hành trên xe sát hạch (không có sát hạch viên ngồi trên xe) tự hoàn thành 10 bài thi liên hoàn, việc chấm điểm hoàn toàn tự động.

Việc sát hạch lái xe trên 2km đường giao thông công cộng được lắp camera quay và ghi hình ảnh trong quá trình thực hiện bài sát hạch và được lưu trữ phục vụ công tác hậu kiểm.

Ngoài ra, trong quá trình sát hạch lái xe, có hệ thống giám sát viên độc lập; tất cả các kỳ sát hạch của các địa phương đều phải công khai trước 15 ngày để phục vụ công tác kiểm tra đột xuất của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, toàn bộ quá trình học, thi, sát hạch được quy định cụ thể và được giám sát chặt chẽ, không phân biệt cơ sở đào tạo công lập hay tư thục.

Người học cùng giám sát việc thực hiện

Tuy nhiên, để công tác đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe thực sự có chất lượng cao, giúp người học có kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn, góp phần giảm tai nạn khi tham gia giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều giải pháp để tăng cường quản lý.
 
Theo như: Bắt buộc người học phải ký hợp đồng với cơ sở đào tạo với những nội dung cơ bản nhất về kiến thức và kỹ năng đạt được sau khóa học để cùng giám sát việc thực hiện của cơ sở đào tạo; Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng tại địa phương như Sở Giao thông vận tải, cơ quan quản lý dạy nghề trong việc thực hiện đào tạo, thi, kiểm tra, cấp chứng chỉ nghề; sát hạch để cấp giấy phép lái xe; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định.

Chinhphu.vn