In bài viết

Siết chặt quản lý chất lượng công trình xây dựng

(Chinhphu.vn) – Hiện nay, các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách chưa được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy phạm pháp luật từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, do vậy đã gây nên những sai sót, lãng phí và thất thoát lớn trong chi phí đầu tư xây dựng… Hàng loạt sự cố xảy ra đối với các công trình xây dựng trong thời gian qua không chỉ làm tổn hao tài sản của nhà nước, nhân dân, mà còn làm dư luận bức xúc.

05/05/2012 08:09

TS. Lê Quang Hùng cho rằng những  quy định hiện hành chưa làm rõ trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của các chủ thể. Ảnh Chinhphu.vn

Thực tế đó đòi hỏi phải sớm sửa đổi hệ thống pháp luật quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan.

Minh bạch thông tin về nhà thầu trên internet

Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, TS. Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Hiện nay, vấn đề quản lý chất lượng công trình xây dựng đang được quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, Nghị định số 49/2008/NĐ-CP và một số văn bản hướng dẫn. Về cơ bản các quy định trên đã góp phần đưa công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đi vào nề nếp và có hiệu quả thiết thực,...

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, bất cập lớn nhất trong pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng là chưa có quy định cụ thể về việc minh mạch thông tin của nhà thầu xây dựng. 

Thực tế đó làm cho cả cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cũng như chủ đầu tư đều thiếu thông tin, nên chưa kiểm soát chặt chẽ được năng lực thực tế của các nhà thầu. Đồng thời, chưa kiểm soát chặt chẽ được chất lượng của công trình xây dựng, dẫn tới những sai sót, thất thoát chi phí lớn trong đầu tư, làm dư luận bức xúc.

Do vậy, để chấn chỉnh những bất cập trên, TS. Hùng cho rằng, pháp luật cần phải bổ sung những quy định cụ thể, mang tính bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng phải cung cấp thông tin về năng lực hoạt động để cơ quan quản lý nhà nước công khai trên trang thông tin điện tử. Qua đó, cung cấp thông tin để cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động của nhà thầu và để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu có năng lực phù hợp với yêu cầu của gói thầu.

Đồng thời, pháp luật cần quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải lựa chọn các nhà thầu tư vấn thẩm tra thiết kế, thí nghiệm, giám định và các nhà thầu chính thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, thi công trong các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách từ danh sách nhà thầu được công bố trên các trang web của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

Bên cạnh đó, cần quy định phải công khai kết quả đánh giá thực hiện công việc của nhà thầu trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Để cung cấp thông tin về kinh nghiệm hoạt động của nhà thầu đối với các gói thầu đã được thực hiện cho cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời cung cấp thêm căn cứ để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu thực hiện những gói thấu tiếp theo. 

Cần công khai thông tin về các nhà thầu trên internet. Ảnh Chinhphu.vn

Kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng

Đồng thời, TS. Hùng cho rằng: Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý chất lượng công trình xây dựng, bên cạnh việc minh bạch thông tin về nhà thầu, pháp luật cũng cần phải bổ sung những quy định cụ thể để kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán. Đồng thời, cũng cần quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về công trình xây dựng của Bộ Xây dựng, các Bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và của UBND cấp tỉnh.

Mặt khác, cũng cần bổ sung các quy định cụ thể để làm rõ trách nhiệm quản lý chất lượng của các chủ thể trong khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình. Bổ sung các nội dung liên quan đến đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu; tổ chức thẩm định và phê duyệt các bước thiết kế; quy định bắt buộc phải thẩm tra thiết kế về an toàn chịu lực đối với các công trình ảnh hưởng tới an toàn cộng đồng, tư vấn thẩm tra phải độc lập với tư vấn thiết kế; kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa công trình vào sử dụng; quy định về an toàn công trình trong thi công; an toàn phòng chống cháy, nổ; xử lý vi phạm… để điều chỉnh những điểm chưa hợp lý trong hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng. 

TS. Lê Quang Hùng cho biết, những vấn đề nêu trên đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu, xem xét đưa vào nội dung dự thảo Nghị định Quản lý chất lượng công trình xây dựng đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Tạo ra các công trình xây dựng bảo đảm chất lượng

TS. Lê Quang Hùng cho rằng, với những điểm mới được nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo, sau khi dự thảo Nghị định được Chính phủ xem xét, ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, công bằng, minh bạch đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình. Quá trình thực hiện Nghị định sẽ giảm tối đa chi phí có liên quan đến việc giảm thủ tục hành chính về thẩm định và phê duyệt thiết kế, về nghiệm thu công trình xây dựng. Đồng thời còn tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng; rút ngắn thời gian thanh toán, quyết toán do các quy định về nghiệm thu rõ ràng hơn và phân định rõ trách nhiệm về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các bên khi ký kết và thực hiện hợp đồng…

Về mặt lợi ích, quá trình thực thi Nghị định sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; giảm chi phí cho các cơ quan, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án, rút ngắn thời gian thi công… Qua đó nâng cao trách nhiệm quản lý chất lượng của tất cả các bên tham gia vào hoạt động xây dựng nhằm tạo ra các công trình xây dựng bảo đảm chất lượng./.

Trần Mạnh