Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Nhiều ý kiến cho rằng hiện danh mục thuốc BVTV của Việt Nam quá nhiều, gây khó khăn cho người sử dụng trong việc lựa chọn. Ý kiến của ông thế nào?
Ông Hoàng Trung: Hiện nay, một loại thuốc BVTV muốn đưa được vào danh mục phải qua một quá trình khảo nghiệm với khoảng 8 khảo nghiệm diện hẹp và 2 khảo nghiệm diện rộng. Các thuốc BVTV phải khảo nghiệm từ 2 vụ trở lên, ít nhất là trong vòng 2 năm mới xong các thủ tục để bảo đảm tính chất hóa học cũng như an toàn với con người.
Tính đến nay, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng có 1.173 hoạt chất với 4.080 tên thương phẩm. Số lượng tên thương phẩm này ngang bằng với số lượng thuốc BVTV của Thái Lan và Malaysia. Nhưng Trung Quốc hiện có trên 12.000 tên thương phẩm, Mỹ có trên 60.000 tên thương phẩm, như vậy, Việt Nam chưa phải là quốc gia có số lượng quá lớn tên thương phẩm thuốc BVTV.
Tuy nhiên, với trên 4.000 tên thương phẩm được quy định với các đối tượng dịch hại và cây trồng cụ thể thì cũng không hề dễ dàng để một người nông dân bình thường có thể chọn lựa?
Ông Hoàng Trung: Với đặc tính thuốc BVTV là các chế phẩm hóa học có các tính chất kỹ thuật chuyên sâu, đặc thù thì quả không dễ dàng cho người nông dân lựa chọn. Nhưng thực tế, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng hiện nay vận hành theo quy luật của thị trường nên có “cầu” thì sẽ có “cung”, xuất phát từ thực tế sản xuất mà các loại thuốc BVTV được doanh nghiệp (DN) khảo nghiệm và đưa ra thị trường.
Số lượng tên thương phẩm nhiều cũng vì theo Luật Doanh nghiệp, các tên thương phẩm này là tài sản của doanh nghiệp. DN đã khảo nghiệm, đăng ký thuốc vào danh mục rồi thì cũng có tâm lý giữ tên thương phẩm đó để nếu có cơ hội còn kinh doanh lại.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng vừa cho rà soát và đánh giá lại thì chỉ có khoảng 2.000 tên thương phẩm lưu thông trên thị trường, nghĩa là chỉ khoảng 50% thương phẩm có tên trong danh mục hiện đang lưu thông trên thị trường.
Như ông nói, thực tế chỉ có khoảng 2.000 tên thương phẩm đang được lưu hành trên thị trường chứ không phải đến hơn 4.000 loại như thống kê?
Ông Hoàng Trung: Đúng vậy. Những thương phẩm này nằm ở diện đã đăng ký từ lâu nhưng DN vẫn xin gia hạn vì... tiếc công khảo nghiệm. Nhưng thực tế, các thương phẩm này khó có thể cạnh tranh được với loại thuốc thế hệ mới nên trước sau cũng sẽ bị đưa ra khỏi danh mục.
Con số này sẽ tiếp tục giảm vì theo Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc BVTV thì đến năm 2017, sẽ loại bỏ những thuốc được đánh giá là độc thuộc nhóm III và nhóm IV hiện nay. Theo ước tính, sẽ loại bỏ ít nhất 250 tên thương phẩm với 115 hoạt chất nữa.
Một vấn đề nữa đặt ra đối với danh mục thuốc BVTV hiện nay là tuy nhiều nhưng thực tế vẫn thiếu. Có loại thuốc do nhu cầu của nông dân không cao nên DN kinh doanh thuốc BVTV không khảo nghiệm và đăng ký kinh doanh. Điều này sẽ gây khó khăn đối với các DN sản xuất nông sản quy mô lớn, làm ăn bài bản theo đúng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt của Bộ NN&PTNT?
Ông Hoàng Trung: Danh mục sử dụng thuốc BVTV hiện nay hướng dẫn khá chi tiết thuốc gì dành cho cây nào. Tuy nhiên, đúng là vẫn có những loại thuốc do nhu cầu thị trường không cao nên chưa có trong danh mục.
Để khắc phục việc này, từ năm 2011, Cục BVTV đã gửi công văn cho tất cả các DN sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV về việc ưu tiên họ nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các loại thuốc BVTV hiện chưa có trong danh mục.
Với các DN có các hoạt chất tương tự, chỉ cần đăng ký mở rộng khảo nghiệm. Việc kiểm tra khảo nghiệm chỉ mất 5 ngày. Chúng tôi cũng yêu cầu các trung tâm kiểm nghiệm BVTV ưu tiên thực hiện với các thuốc phòng trừ những loại dịch hại chưa có trong danh mục trước. Thông thường phải một quý thì hội đồng kiểm định mới được triệu tập một lần để kiểm định thuốc BVTV đăng ký mới. Nhưng đối với các loại thuốc được ưu tiên, chúng tôi sẽ thành lập ngay hội đồng và kiểm định để trình Bộ trưởng quyết định bổ sung sớm nhất có thể.
Như vậy, DN sản xuất vẫn phụ thuộc vào DN kinh doanh thuốc BVTV. Vậy, đối với một số loại dịch hại trên các cây trồng cụ thể chưa được quy định dùng thuốc BVTV thì có thể dùng các hoạt chất đã được quy định dùng cho dịch hại đó nhưng ở cây trồng khác được không?
Ông Hoàng Trung: Theo quy định hiện hành về thuốc BVTV thì chỉ những loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng mới được dùng. Nguyên tắc là một loại thuốc chỉ dùng phòng trừ một loại sinh vật gây hại cho một đối tượng cây trồng cụ thể. Không thể áp dụng thuốc tương tự khi chưa có khảo nghiệm chính thức.
Tôi xin nhắc lại nếu muốn sử dụng một loại thuốc BVTV nhưng chưa có trong danh mục thì buộc phải đăng ký bổ sung, mở rộng phạm vi khảo nghiệm và việc này cũng không mất nhiều thời gian.
Theo tôi biết, hiện các DN sản xuất nông sản lớn và các DN kinh doanh thuốc BVTV đang làm rất tốt việc này. Ví dụ như VinGroup, họ đang áp dụng cơ chế đó bằng cách phối hợp với Công ty Sygenta vì Công ty Sygenta có bộ thuốc trong danh mục rồi, khi cần thì chỉ đăng ký bổ sung nên rất nhanh và thuận tiện.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hương (thực hiện)