In bài viết

Siết chặt quản lý lao động nước ngoài

(Chinhphu.vn) – Đó là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý khi thảo luận dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

29/11/2013 10:30

Mở màn phiên góp ý chiều qua (28/11), Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng: Việc quản lý còn thiếu chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng gia tăng lao động phổ thông người nước ngoài vào Việt Nam. Một số người nước ngoài lang thang vi phạm pháp luật như lừa đảo, gây tệ nạn xã hội. Thậm chí có trường hợp dễ dãi trong cấp thị thực du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư để nhiều đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm việc làm, số này có rất nhiều ở Hà Nội cũng như TPHCM và một số địa phương khác rất khó quản lý...

Theo Đại biểu Sơn, hiện nay chúng ta đang cho phép người nước ngoài được chuyển đổi mục đích thị thực nhập cảnh. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng tư cách pháp nhân để làm dịch vụ gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú. Thậm chí xuất hiện cả những doanh nghiệp ma chuyên làm dịch vụ xin thị thực dài hạn cho người nước ngoài để kiếm lời mà không phải chịu trách nhiệm gì về những vấn đề phức tạp phát sinh.

Bên cạnh đó, các quy định về người nước ngoài làm việc ở doanh nghiệp FDI cũng chưa chặt chẽ, dẫn tới hiện tượng người nước ngoài cư trú ngay trong văn phòng làm việc ở các khu công nghiệp để vừa giảm chi phí vừa né tránh được sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng địa phương. Nhiều người nước ngoài dùng hộ chiếu du lịch để làm việc trong các dự án. Số này chủ yếu là lao động phổ thông thuộc diện không khuyến khích; thậm chí họ còn lập xóm, phố ở một vài địa phương với nếp sinh hoạt khác biệt, nhiều khi xảy ra những xô xát với người địa phương, việc xử lý cũng rất khó khăn.

Nêu rõ hơn vấn đề này, Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho hay: Có tới 39,9% số lao động nước ngoài (trên 31.000 người) hiện chưa được cấp phép. Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định thị thực Việt Nam có thời hạn không quá 12 tháng, nhưng tại Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn của thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư tối đa là 5 năm. Từ hai ví dụ trên, ông Thắng cho rằng quy định hiện hành đã không còn đáp ứng được yêu cầu quản lý khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Chia sẻ quan điểm này, Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích lao động. Trong việc cấp thị thực, thẻ tạm trú và gia hạn tạm trú, cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài khi nhập cảnh cư trú tại Việt Nam; cũng như quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Đặc biệt, Đại biểu đề nghị không cho phép các công ty du lịch bảo lãnh làm thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc; quy định cụ thể điều kiện, thời gian cấp thị thực với thời hạn tạm trú để thống nhất các quy định của Luật Đầu tư, cân nhắc việc đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước như hiện nay.

Bà Huyền cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý đối với người nước ngoài. Quy định cụ thể về phân công, phân cấp, có cơ chế phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại Việt Nam. Quy định người nước ngoài làm việc theo dự án đầu tư được tạm trú tại các nhà Ban quản lý KCN, KCX dành riêng cho họ chứ không tạm trú trong phòng làm việc.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) dẫn thực tế có hàng ngàn lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại các công trình xây dựng, nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu như nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, xi măng Ninh Bình, Tây Ninh, bauxite Lâm Đồng.

Ông Vinh đề nghị quy định rõ trong luật về điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo về tình hình hoạt động của người nước ngoài được mời, bảo lãnh với cơ quan quản lý Nhà nước về xuất, nhập cảnh. Đồng thời bổ sung quy định cho cơ quan quản lý Nhà nước về xuất, nhập cảnh thường xuyên kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp nhằm tránh việc lợi dụng quyền được mời, bảo lãnh để làm dịch vụ trục lợi.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ trong luật trách nhiệm của cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải chịu trách nhiệm liên đới nếu như người nước ngoài do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó vi phạm luật trong thời gian sinh sống làm việc tại Việt Nam.

Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, Đại biểu Vinh đề nghị, để tránh tình trạng người nước ngoài sinh sống lao động ở Việt Nam một thời gian dài mà chính quyền không biết, không được quản lý hiệu quả gây bất ổn về chính trị, xã hội... dự thảo nên bổ sung thêm một điều quy định trách nhiệm của Bộ LĐTBXH về vấn đề này.

Bình Minh