In bài viết

‘Siêu bão’ đi qua, tình người ở lại

(Chinhphu.vn) – Bão số 10, cơn bão lớn nhất đổ bộ vào miền Trung nước ta tính trong hàng chục năm trở lại đây, đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Nhưng trong hoạn nạn, tình người ấm áp, sáng đẹp hơn bao giờ hết.

16/09/2017 14:08

Trước khi bão số 10 đổ bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo khẩn các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác phòng tránh bão với yêu cầu cao nhất: Bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân; bảo vệ tài sản của nhân dân, của Nhà nước…

Trưa 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã vào Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An trực tiếp chỉ đạo ứng phó với cơn bão lớn này sau cuộc họp chung tại Hà Nội. Trong ảnh: Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Nghệ An huy động mọi lực lượng giúp dân thu hoạch lúa, hoa màu tránh bão. Ảnh VGP

Tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, lực lượng quân đội, công an, thanh niên… hỗ trợ nhân dân chống bão và sơ tán tránh bão.

Sáng 15/9, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đi kiểm tra công trình hồ Rào Đá. Ảnh: Báo Quảng Bình

Sáng 14/9, các chiến sĩ quân đội, công an giúp nông dân Hà Tĩnh gặt lúa chạy bão

Lực lượng quân đội sơ tán dân tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ an

Giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh bão

Trong khi bão đổ bộ, hai tàu vận tải chở dăm gỗ 3.000 tấn đến cập ở âu cảng Cửa Việt, Quảng Trị. Theo quy định của luật hàng hải thì tàu không được neo đậu vào thời điểm này, nhưng nếu buộc 2 tàu dời đi sẽ rất nguy hiểm. Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã kịp thời có mặt tại hiện trường chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu, thủy thủ và hạ tầng cảng.


Ngay trong khi cơn bão đang đổ bộ vào các tỉnh miền Trung Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tức tốc đến hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục.

Tối 15/9 tại Quảng Bình, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh việc đầu tiên là bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để ai phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm đứt bữa sau bão số 10. Ảnh: VGP

Chiều 15/9 tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thăm gia đình ông Lê Xuân Tiềm, thương binh hạng 3/4 để động viên họ vượt qua khó khăn do thiên tai. Ảnh: VGP

Sáng 16/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến động viên người dân thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị thiệt hại do bão. Ảnh: VGP

Sáng 16/9 tại Hà Tĩnh, Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc khắc phục hậu quả bão. Lực lượng quân đội, công an tăng cường hỗ trợ các địa phương “Tinh thần là không được để nhân dân màn trời chiếu đất, đứt bữa, đói cơm”; không để xảy ra dịch bệnh; chậm nhất trong 5 ngày nữa phải khôi phục, cấp lại điện; nhanh chóng sửa chữa nhà cửa của người dân bị đổ, tốc mái; khẩn trương khôi phục sản xuất. Bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, bảo đảm giao thông thông suốt. Ảnh VGP

Hiện “công cuộc tái thiết” sau bão ở các địa phương cũng đã bắt đầu…

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường (áo trắng) cùng với người dân dọn dẹp sau bão. Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An gửi đi thông điệp đến tất cả các địa phương phải tổ chức dọn vệ sinh kịp thời ngay sau bão nhằm đảm bảo môi trường; đặc biệt, trong tình trạng hiện nay đang có dịch sốt xuất huyết, do đó vấn đề môi trường phải đặt lên hàng đầu để không để dịch bệnh bùng phát.


BĐBP phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò giúp dân dọn dẹp, sửa sang nhà cửa. Ảnh: Báo Nghệ An

Sửa nhà cho dân sau bão


Công nhân Điện lực Hương Khê bắt đầu sửa chữa lưới điện trện địa bàn


Trong ngày 15 và sáng 16/9, BV đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình đã tiếp nhận và điều trị cho 19 bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân đều bị các chấn thương ở tay, chân, một số bị đa chấn thương do ngã trong khi chặt cây, chằng chống nhà cửa chống bão. Ảnh: Báo Quảng Bình

Sáng 16/9, Công an TP. Đồng Hới (Quảng Bình) giúp dân sửa sang nhà cửa sau bão. Ảnh: Báo Quảng Bình
Sáng 16/9, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đến Trường Tiểu học số 1 Ba Đồn, thị xã Ba Đồn chỉ đạo việc khắc phục hậu quả bão số 10 tại đây. Ảnh: Báo Quảng Bình

Thanh Phương