Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, Milton đã một lần nữa trở thành cơn bão cấp 5 hiếm gặp. Trước đó, Milton lần đầu tiên được xếp vào nhóm bão cấp 5 vào sáng 7/10 (giờ địa phương) và duy trì cường độ cấp 5 cho đến 2 giờ sáng 8/10 rồi suy giảm. Tuy nhiên, đến chiều 8/10, nó lại tăng sức mạnh lên cấp 5 mạnh nhất của Mỹ.
Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi người dân ở các khu vực sơ tán tại Florida rằng họ cần phải di tản ngay lập tức. Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu từ Nhà Trắng: "Tôi đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền thông báo tóm tắt và chúng tôi đang tăng cường chuẩn bị cho bão Milton. Đây có thể là một trong những cơn bão tồi tệ nhất trong 100 năm qua tại Florida".
Chủ nhân Nhà Trắng hối thúc người dân trong vùng cảnh báo nguy hiểm cần sơ tán ngay lập tức đến nơi an toàn. "Nếu khu vực đã ban hành lệnh sơ tán, các bạn cần lập tức sơ tán. Đây là vấn đề sống còn. Tôi không hề nói quá", ông Biden cho biết.
Tổng thống Biden ngày 8/10 đã thông báo hủy chuyến công du tới Đức và Angola, để ở lại giám sát diễn biến của siêu bão Milton.
Video cho thấy đường phố không xe cộ qua lại trong bối cảnh Florida chuẩn bị phòng chống bão Milton (nguồn: Reuters):
Thống đốc Florida Ron DeSantis đã ban bố tình trạng khẩn cấp với 51 trong 67 hạt của bang, dự đoán Milton có thể gây ra "những tác động rất, rất lớn". Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cảnh báo khi bão Milton đổ bộ, "thiệt hại thảm khốc sẽ xảy ra" ngay cả với những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, trong khi "điện nước sẽ mất trong vài ngày đến vài tuần".
Mười một hạt của Florida, nơi sinh sống của khoảng 5,9 triệu người, đã phải tuân thủ lệnh sơ tán bắt buộc tính đến chiều 8/10. Các quan chức đang cảnh báo người dân không nên trông chờ vào việc cơn bão suy yếu.
Sân bay quốc tế Tampa Bay cho biết sẽ dừng các chuyến bay lúc 9h ngày 8/10 (giờ địa phương). Sân bay quốc tế St Pete-Clearwater cho biết sân bay đã nằm trong khu vực sơ tán bắt buộc và sẽ đóng cửa sau khi chuyến bay cuối cùng cất cánh vào ngày 8/10 (giờ địa phương).
Các căn cứ quân sự Mỹ trên đường đi của cơn bão cấp 5 Milton đã hành động ngay lập tức trước khi bão đổ bộ - trang Military.com đưa tin.
Thiếu tướng Pat Ryder - người phát ngôn Lầu Năm Góc - cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang theo dõi đường đi của cơn bão và chuẩn bị cho mọi khả năng.
Bão Milton nhìn từ vũ trụ. Nguồn: NASA
"Chính phủ liên bang, bao gồm Bộ Quốc phòng sẵn sàng ứng phó bão Milton, bao gồm cả việc cân nhắc mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra, dọn dẹp tuyến đường tìm kiếm và cứu nạn" - ông Ryder nói thêm rằng, Lầu Năm Góc đang làm việc với Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang "để chuẩn bị cho những tác động tiềm tàng khi cơn bão đổ bộ".
Căn cứ Không quân MacDill ở Tampa nằm ngay trên đường đi của bão Milton, theo dự báo bão của Cơ quan Thời tiết Quốc gia. Giới chức căn cứ đã ra lệnh sơ tán trên diện rộng vào ngày 7.10.
Phần lớn các dịch vụ, trường học và các nguồn lực khác của căn cứ cũng đóng cửa vào ngày 8.10.
MacDill đã sơ tán 12 máy bay KC-135 đến Căn cứ Không quân McConnell ở Kansas - Rose Riley, phát ngôn viên của Bộ Không quân cho hay.
Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, Milton là cơn bão mạnh lên nhanh thứ ba từng ghi nhận ở Đại Tây Dương.
Sức mạnh của một cơn bão phụ thuộc phần lớn vào điều kiện khí quyển trên mặt biển và nhiệt độ đại dương. Ví dụ, không khí khô có thể làm suy yếu một cơn bão, hoặc khi nhiệt độ đại dương ấm nóng sẽ bổ sung thêm năng lượng vào cơn bão, tăng tốc độ gió làm tăng lượng mưa.
Báo Washington Post dẫn lời các nhà khoa học cho biết cần rất nhiều nguyên nhân để hình thành một cơn bão, nhưng nguyên nhân chính khiến tần suất xuất hiện bão ngày một nhiều, cũng như cường độ bão ngày càng mạnh hơn và tốc độ bão phát triển ngày càng nhanh hơn là biến đổi khí hậu do con người gây ra.
"Sóng nhiệt trên biển giống như những con quái vật đến từ tương lai. Chúng ta nên chuẩn bị trước con quái vật này, nó sẽ làm xuất hiện nhiều cơn bão nhiệt đới hơn và khiến các cơn bão mạnh hơn", ông Soheil Radfar - nhà nghiên cứu về biển tại Đại học Alabama ở thành phố Tuscaloosa, thuộc bang Alabama - phân tích.
Nhiệt độ nước biển ở khu vực vịnh Mexico được ghi nhận trong mùa hè vừa qua đạt mức cao nhất mọi thời đại. Hơn nữa, những tuần gần đây vùng biển vịnh Mexico cũng ghi nhận những đợt sóng nhiệt cao đột ngột.
Khi nhiệt độ tăng cao, lượng hơi nước bốc hơi từ biển nhiều hơn, từ đó thúc đẩy các cơn bão phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và gây mưa nhiều hơn, tương tự như những gì giới chức địa phương ghi nhận ở bão Helene và trước thềm cơn bão Milton.
Theo báo Guardian, một nghiên cứu được công bố năm 2023 cho thấy các cơn bão nhiệt đới ở Đại Tây Dương hiện nay có khả năng mạnh lên nhanh hơn khoảng 29% so với những cơn bão trong giai đoạn 1971 - 1990.