In bài viết

Siêu thị nỗ lực kìm giá, chia sẻ khó khăn với khách hàng

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh tăng giá, chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng cũng chính là cách doanh nghiệp tự bảo vệ chính mình. Các siêu thị đang nỗ lực giảm giá hàng, tổ chức khuyến mãi nhằm kích thích sức mua.

27/04/2011 16:06

Một quầy thực phẩm đông lạnh tại một siêu thị Fivimart. - Ảnh: VNN

Sẽ từ chối nhà cung cấp tăng giá vô lý

Ngày 26/4, tại siêu thị BigC Miền Đông, quận 10, TPHCM, một số khách hàng đến quầy hàng thực phẩm thấy dòng chữ “hết hàng vì Big C từ chối yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp”.

“Siêu thị thông báo đến khách hàng để biết và có sự lựa chọn sản phẩm khác để thay thế. Hiện siêu thị có hơn 50.000 mặt hàng để khách hàng lựa chọn trong quá trình đàm phán với nhà cung cấp” – đại diện Big C nói.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, phụ trách đối ngoại chuỗi hệ thống siêu thị Big C, cũng xác nhận "có nhiều mặt hàng nhà cung cấp tăng giá quá mạnh tay". Theo bà Trang, dù các siêu thị ít nhiều phải lệ thuộc vào nguồn hàng của nhà cung cấp nhưng không thể chấp nhận chuyện "ấn giá trên trời" xuống như một số nơi đang làm hiện nay.

"Chúng tôi đã từ chối rất nhiều thông báo giá mới không hợp lý. Bản thân phòng thu mua cũng phải tự thu thập thông tin rất nhiều yếu tố liên quan đến các nguyên nhân có thể làm giá cả một nhóm hàng nào đó tăng, mức tăng thế nào là phù hợp, để từ chối thẳng các nhà cung ứng cứ đòi tăng giá vô tội vạ” - bà Trang nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó tổng giám đốc hệ thống Saigon Co.op, xác nhận hệ thống siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá của nhà cung cấp áp dụng cho khoảng thời gian giữa tháng 4, đầu tháng 5, chủ yếu rơi vào các nhóm hàng như nước mắm với mức tăng 10-20%, thủy, hải sản đông lạnh 5-10%, đồ hộp 7%, rượu dao động 10-30%...

Saigon Co.op sẽ kiên quyết từ chối đối với những yêu cầu tăng giá bất hợp lý, bởi theo bà Hạnh, Saigon Co.op luôn có nhiều hơn một nhà cung cấp cho mỗi nhóm hàng, nên có điều kiện để chọn nguồn hàng có giá hợp lý hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu chính sách chất lượng của siêu thị.

Tiết giảm chi phí và tìm hàng khác thay thế

Bà Quỳnh Trang cho biết Big C tăng cường trữ hàng giá thấp và hủy bỏ những mặt hàng tăng giá cao, không có lý do chính đáng, đồng thời tìm những mặt hàng thay thế hoặc các nhà cung cấp mới có giá cạnh tranh hơn.

Trong nội bộ Big C cũng tăng cường tiết kiệm các chi phí quản lý và chi phí vận hành, tiết kiệm năng lượng, điện, nước để từ đó có nguồn kinh phí và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi. Với nhiều nỗ lực như vậy, trong những ngày gần đây, đặc biệt trong dịp cuối tuần và nghỉ lễ, sức mua tại Big C đã tăng đến 30%.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay trong bối cảnh giá cả tiêu dùng leo thang như hiện nay, để đưa ra chương trình giảm giá 10-15%, siêu thị đã phải tiết giảm tối đa các chi phí của công ty và vận động các nhà cung cấp để đưa hàng hóa có giá tốt nhất đến người tiêu dùng.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc kinh doanh hệ thống Citimart lại cho rằng đã đến lúc giới kinh doanh siêu thị phải ngồi lại với nhau để chống lại sự bắt tay của các nhà cung ứng, thậm chí của cả nhà sản xuất đối với nguồn hàng rót cho siêu thị.

Ông Ngô Văn Hải cũng đề nghị đã đến lúc Nhà nước nên thành lập các đoàn thanh tra khảo sát chi phí đầu vào của một loạt các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống trong thời gian qua. "Không thể cứ lấy mãi lý do nguyên liệu nhập khẩu tăng vọt, chi phí vận chuyển tăng cao để "ca" mãi bài ca tăng giá được".

Vũ Trọng