In bài viết

Singapore và sự cân nhắc cho đổi mới giáo dục tại Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Việc tìm hiểu, nghiên cứu các hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến sẽ giúp giáo dục Việt Nam học hỏi và rút ra những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.

28/04/2014 16:20
Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh đang là những nội dung cơ bản của công cuộc đổi mới giáo dục. Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Báo Điện tử Chính phủ xin giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của TS Lương Hoài Nam về hệ thống giáo dục của Singapore và sự cân nhắc cho quá trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam:

Nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng, độc lập nghĩa là giàu và mạnh, để giàu và mạnh thì phải có con người có kiến thức, kỹ năng và cần có nền giáo dục tốt để "sản xuất" ra những con người lao động hiệu quả cho đất nước. Muốn vậy, phải xây dựng nền móng kinh tế và giáo dục vững chắc. Và mô hình giáo dục của Anh đã được áp dụng cho nền giáo dục tại Singapore.

Theo đó, hành trình học tập của một người Singapore bắt đầu từ khi đứa trẻ lên 3-4 tuổi, với 1-2 năm mầm non và 2 năm mẫu giáo. 

Lên 7 tuổi, trẻ em Singapore bước vào bậc giáo dục tiểu học (Primary School) với chương trình học 6 năm và kết thúc bằng kỳ thi PSLE (Primary School Leaving Examination). 

Ở giai đoạn tiểu học, tất cả các trường đều dạy theo một chương trình chung của Nhà nước. Các trường năng khiếu (âm nhạc, thể thao, hội hoạ...) bổ sung các môn học năng khiếu vào chương trình giáo dục tiểu học chung.

Phân luồng đào tạo

Việc phân luồng đào tạo ở Singapore được thực hiện ngay sau bước thi PSLE, với 5 luồng giáo dục sau tiểu học:

Các trường trung học Nhà nước với chương trình cơ bản 5 năm, hoặc chương trình "nén" 4 năm.

Các trường chuyên biệt cho các học sinh (HS) có định hướng học nghề sau khi tốt nghiệp. Các trường chuyên biệt này dạy nhiều môn thực hành, với các khoá học từ 1-4 năm, với đầu ra chủ yếu là cho trung cấp nghề ITE (Institute Of Technical Education).

Các trường năng khiếu độc lập cho các HS có năng khiếu trong một số lĩnh vực cụ thể, với thời gian đào tạo 4-6 năm.

Các trường tư thục, bao gồm các trường dạy theo chương trình Nhà nước 5 năm và các trường dạy theo chương trình riêng 4-6 năm. 

Các trường giáo dục đặc biệt dành cho những HS có hoàn cảnh đặc biệt, chương trình đào tạo tuỳ theo điều kiện đặc thù của HS, có thời gian đào tạo từ 4-6 năm.

Khi kết thúc chương trình trung học, HS thực hiện kỳ thi GCE "O". Kết quả của kỳ thi này phân luồng HS theo 3 nhánh tiếp theo.

Nhánh thứ nhất là các trường dự bị ĐH JC (Junior College) với thời gian phổ biến 2 năm và cá biệt 3 năm MIE (Millennium Institute of Education), kết thúc bằng kỳ thi GCE "A" để vào ĐH hoặc vào CĐ nghề. 

Nhánh thứ hai các trường CĐ nghề (Polytechnics) với thời gian đào tạo 3 năm. Tốt nghiệp CĐ, phần lớn HS ra đi làm việc luôn. Một tỷ lệ nhỏ đạt điều kiện học tiếp lên ĐH với chương trình học 3-4 năm. 

Nhánh thứ ba là các trường trung cấp nghề (ITE) thời gian đào tạo chỉ có 1-2 năm. 

Ngoài ra, đối với 3 nhánh đào tạo trung học tại các trường năng khiếu độc lập, trường tư và trường đặc biệt, hầu hết HS tốt nghiệp bắt đầu đi làm. Một tỷ lệ nhỏ học tiếp lên bậc ĐH với chương trình 3-4 năm.

Tính hướng nghiệp cao

Hệ thống giáo dục Singapore có tính hướng nghiệp rất cao, bắt đầu phân cấp các môn học và hướng nghiệp ngay từ đầu cấp THCS, đến cấp trung học, số môn học chỉ còn 7-8 môn và HS có quyền chọn một số môn.

Chương trình dạy học được thiết kế phù hợp, tăng thời lượng các môn theo định hướng nghề nghiệp của HS, tạo điều kiện để HS lựa chọn môn học phù hợp với tố chất, điều kiện, mục tiêu công việc tương lai. 

Đây là hệ thống được thiết kế trên cơ sở kết hợp các phương pháp tiếp cận từ dưới lên (từ cá nhân lên xã hội, theo năng lực, điều kiện cụ thể của mỗi người) và trên xuống (từ xã hội xuống cá nhân, theo nhu cầu về nguồn nhân lực).

Và nếu không học lên bậc ĐH, HS sẽ ra đi làm phổ biến ở tuổi 20 (6 6 5 3).

Nếu theo nhánh học nghề, HS có thể ra đi làm ở tuổi 18 (6 6 4 2), cá biệt ở tuổi 16 (tuổi lao động đầy đủ theo luật là "đủ 16 tuổi". Trẻ em từ 13 tuổi đến 16 tuổi được phép tuyển dụng cho một số công việc lao động nhẹ). 

Nếu học ĐH, các em sẽ ra đi làm phổ biến ở tuổi 22 (6 6 5 2 3). 

Nhìn về thực tiễn Việt Nam
 
Hệ thống giáo dục Việt Nam đang áp dụng theo cấp bậc học và chương trình học ít có sự phân luồng đào tạo và chưa chú trọng đến tính hướng nghiệp cho HS.

Cụ thể, bậc Tiểu học học 5 năm (lớp 1 đến lớp 5); THCS 4 năm (lớp 6 đến lớp 9); THPT 3 năm (lớp 10 đến lớp 12); Trung cấp học 2 năm; CĐ học 3-4 năm và ĐH học 4-6 năm. 

Nếu như ở Singapore, sau cấp tiểu học (6 năm), HS được phân vào 5 luồng (như trên) và sau đó lại được tiếp tục phân luồng ở các cấp tiếp theo thì ở Việt Nam chỉ có một luồng, cho đến khi các em tốt nghiệp THCS (hết lớp 9). 

Về lý thuyết, sau khi tốt nghiệp THCS, HS có 3 lựa chọn: lên THPT (3 năm), trung cấp nghề (3 năm); ra lao động luôn (số lượng rất ít).

Từ cấp THCS, HS ở Việt Nam phải học số môn gần gấp hai lần số môn các HS cùng lứa ở Singapore. Có nhiều môn không thực sự thiết thực cho bậc học tiếp và định hướng nghề nghiệp tương lai. Trong khi đó, những môn học phục vụ cho định hướng nghề nghiệp trong tương lai thì các em lại không được học sâu hơn, với nhiều thời gian học và thực hành hơn. 

Việc cho phép HS tốt nghiệp trung cấp nghề được thi vào ĐH nhằm làm cho hệ đào tạo ĐH hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm, HS khó có thể vừa học giỏi nghề, lại vừa học tốt chương trình THPT tương tự những HS chỉ tập trung học chương trình THPT. Trong khi đó, ở Singapore, số HS theo hệ đào tạo trung cấp nghề (qua ITE) chỉ có thể vào học các trường CĐ nghề, không cơ cơ hội thi lên thẳng ĐH. 

Với hệ thống giáo dục Việt Nam, SV tốt nghiệp CĐ nghề ra đi làm sớm nhất ở tuổi 21 (6 12 3), muộn hơn so với Singapore 1 năm. SV tốt nghiệp ĐH ra đi làm ở Việt Nam sớm nhất ở tuổi 22, ngang tuổi tốt nghiệp ĐH ra đi làm ở Singapore. Tuy nhiên, Singapore cho phép học chương trình trung học "nén" với 4 năm (thay vì chương trình chuẩn 5 năm). Các em học chương trình trung học "nén" ở Singapore tốt nghiệp ra đi làm sớm hơn SV CĐ ở Việt Nam 2 năm và SV ĐH ở Việt Nam 1 năm. 

Ở quy mô xã hội, việc HS tốt nghiệp đào tạo nghề hoặc đại học ra đi làm sớm hơn 1-2 năm có ý nghĩa lớn. Nó vừa tiết kiệm chi phí đào tạo của xã hội, vừa tăng số năm lao động và đóng góp của mỗi người cho xã hội.

Có thể trong ngắn hạn, việc rút ngắn tổng thời gian học 1-2 năm đối với một số lượng HS làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, xét về dài hạn, việc tối ưu hoá quá trình, chương trình học tập của HS theo hướng đó là cần phải làm để đạt được những hiệu quả thiết thực cho xã hội và lâu dài sẽ giải cả bài toán giảm tỷ lệ thất nghiệp cho xã hội.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên ĐH-CĐ ở nước ta khoảng 2:1, tương đương với Mỹ; tỷ lệ này tại EU cỡ 1:1,5; tại Nhật Bản cỡ 1:1. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành GDĐT của Việt Nam cần chú trọng đến hướng dạy nghề và rút ngắn thời gian đến tốt nghiệp nghề để giải quyết tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay. 

Trong lần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam mà Bộ GDĐT đang xây dựng chương trình, đề án, nền giáo dục Singapore (và gốc của nó là nền giáo dục Anh) rất cần được nghiên cứu, học tập tối đa để áp dụng. Không chỉ học họ về kết cấu chương trình giáo dục, đào tạo, mà tất cả các cấu thành của một nền giáo dục tổng thể để đảm bảo tính xuyên suốt, đồng bộ.

TS Lương Hoài Nam