Ảnh minh họa |
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành lấy gói mỳ tôm cùng loại tại gia đình bà Nguyễn Thị Xuân để pha vào nước sôi nhưng không thấy có hiện tượng gì bất thường.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã lấy mẫu mì tôm nguyên gói còn lại của gia đình gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm của Viện không phát hiện sinh vật lạ, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định.
Mẫu “sinh vật lạ” lấy tại hiện trường cũng đã được gửi tới Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương để định danh. Kết quả xác định mẫu “sinh vật lạ” là đốt sán dây.
Theo Cục An toàn thực phẩm, mỳ tôm là sản phẩm trong quá trình chế biến có xử lý ở nhiệt độ cao (trên 100oC) nên sán dây không thể sống trong sản phẩm mỳ tôm đã được bao gói kín. Sán dây trưởng thành sống trong ống tiêu hoá của nhiều động vật khác nhau như: trâu, cừu, bò, lợn, chó, mèo… Ấu trùng sán dây sống trong cơ thể của động vật không xương sống như: giun ít tơ, đỉa, chân khớp ở dưới nước và trên cạn hoặc động vật có xương sống.
Do đó, Cục An toàn thực phẩm khẳng định sán dây trong bát mì tôm tại gia đình bà Nguyễn Thị Xuân đã được xâm nhập từ môi trường trong quá trình sử dụng.
Để phòng chống ảnh hưởng của sán dây tới sức khỏe cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường; không ăn thịt bò, lợn…tái hoặc chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống chín; nên bảo quản để bát, đũa và thực phẩm chín và ngồi ăn uống trên bàn cao cách xa nền nhà.
Thanh Hoài