In bài viết

Sinh viên chế tạo áo phao công nghệ hỗ trợ ngư dân

(Chinhphu.vn) - Trăn trở trước những bất cập trong việc bảo hộ lao động của ngư dân, nhóm bạn trẻ Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chế tạo chiếc áo phao công nghệ sCoat - sự kết hợp giữa áo khoác và áo phao cứu sinh nhằm giúp của ngư dân an toàn trên hành trình vươn khơi bám biển.

24/03/2022 15:30
Sinh viên chế tạo áo phao công nghệ cho ngư dân  - Ảnh 1.

Nhóm bạn trẻ "bám" cảng cá Thọ Quang vài tháng trời để tìm hiểu những khó khăn trong việc bảo hộ lao động của ngư dân. Ảnh: NVCC

Áo phao công nghệ - "vì tình yêu với biển"

Nhóm bạn trẻ với 7 thành viên đến từ 7 khoa khác nhau của Đại học Bách khoa Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng), gồm Lê Văn Huy, Lê Thị Nhã, Lê Thị Dạ Thảo, Đàm Quang Tiến, Phạm Văn Tâm, Tăng Thị Anh Thư và Trần Lê Vĩ Nhân Tâm.

Trần Lê Vĩ Nhân Tâm kể: "Tụi em đều gốc gác duyên hải miền Trung, trong đó, vài bạn có truyền thống gia đình miền biển, gắn bó với nghề cá nên tình yêu với biển đã ngấm vào máu thịt. Vì vậy khi tìm hiểu đề tài để thực hiện, chúng em đã quyết định chọn một đề tài liên quan đến ngư dân."

Thế rồi trong mấy tháng trời ở cảng cá Thọ Quang, nhóm bạn trẻ đến gặp gỡ nói chuyện, tìm hiểu xem các cô chú ngư dân có khó khăn gì không. Tình cờ, qua câu chuyện về sự mất mát của một thuyền viên trong lúc đánh lưới vào ngày mưa to gió lớn trên biển không may bị rơi xuống biển của ngư dân Nguyễn Văn Lợi, cả nhóm đã tìm thấy điều cần tìm.

"Giá mà lúc đó anh ấy mặc áo phao thì đã không có chuyện đau lòng như vậy", những lời nói đau đáu của anh Lợi đã khiến cả nhóm suy nghĩ cần phải tạo ra được một loại áo phao nào tiện lợi với ngư dân trong những chuyến biển gió bão khó lường, Nhân Tâm chia sẻ.

Theo tìm hiểu, ngư dân làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nhiệt độ thấp, lúc gió bão hay tai nạn bất ngờ nhưng họ thường không mặc áo phao. Ngoài ra, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, các tai nạn trên biển xuất phát từ nguyên nhân như thiếu hoặc hư hỏng phao cứu sinh chiếm tỉ lệ khá cao.

Thế rồi, cả nhóm tiếp tục tìm hiểu, khảo sát, phỏng vấn các ngư dân ở cảng cá suốt mấy tháng trời để tìm ra ưu nhược điểm của các loại áo phao đang có mặt trên thị trường hiện nay. Từ đó tìm cách thay đổi mẫu mã và cải tiến dần các tính năng của áo cho phù hợp với nhu cầu của ngư dân.

"Quan trọng nhất là tính tiện lợi, bởi các loại áo phao trên thị trường hiện nay hầu hết có hình chữ U, làm bằng các tấm xốp LDPE. Theo các ngư dân, khi mặc áo dễ bị vướng víu, cồng kềnh, dễ bị rách khi kéo lưới. Vì thế họ ngại mang áo phao và coi đó là chuyện bình thường", Nhân Tâm nói.

Sinh viên chế tạo áo phao công nghệ cho ngư dân  - Ảnh 2.

"Áo khoác công nghệ sCoat" là một sự kết hợp giữa áo khoác và phao cứu sinh. Ảnh: VGP/Minh Trang

Áo phao công nghệ thân thiện với người dùng, dễ sử dụng

"Áo phao công nghệ sCoat" ra đời được xem là một sự kết hợp giữa áo khoác và phao cứu sinh. Với mục tiêu thay đổi những định kiến về những chiếc áo phao truyền thống khá vướng víu, ảnh hưởng đến quá trình làm việc của ngư dân, chiếc áo sCoat thực chất là một chiếc áo khoác có thể sử dụng thường ngày. Áo sCoat tạo sự thân thiện với người dùng, dễ sử dụng, có khả năng giữ ấm và kháng nước nhẹ", Nhân Tâm phân tích.

Hệ thống khí kết hợp với phao sCoat chỉ mất 30 giây để chuyển đổi sang một chiếc áo phao cứu sinh, hỗ trợ việc sinh tồn khi ngư dân gặp tai nạn hay sự cố bất ngờ. Ngoài ra, nhóm còn phát triển module định vị hoạt động như một hộp đen an toàn báo vị trí ngư dân lúc cần. Như vậy, sCoat đáp ứng được nhu cầu của ngư dân về khía cạnh bảo vệ và hỗ trợ sinh tồn.

Theo thiết kế, sCoat mang hình dáng của chiếc áo khoác thường ngày kết hợp với khả năng chuyển đổi thành chiếc áo phao khi gặp sự cố bất ngờ. Áo sCoat có phần áo khoác làm bằng vải Gotex chống nước, giữ ấm tốt với thời tiết lạnh xa bờ. 

Hệ thống phao gồm 2 phao tay, 1 phao cổ tách biệt giúp người lao động thuận tiện và thoải mái khi làm việc. Được liên kết với hệ thống khí nén CO2 chạy bên trong áo đảm bảo tính thẩm mỹ và thoải mái cho người dùng. Van 1 chiều được gắn trên ngực trái dễ dàng sử dụng chỉ với một tay.

Sinh viên chế tạo áo phao công nghệ cho ngư dân  - Ảnh 3.

Hệ thống phao gồm 2 phao tay, 1 phao cổ giúp ngư dân thuận tiện và thoải mái hơn

Góp phần thay đổi nhận thức của ngư dân

Trên chiếc áo phao công nghệ còn có Module định vị (GPS) giúp ngư dân khi gặp sự cố ngoài biển báo được tọa độ nơi mình gặp nạn. Từ đó, lực lượng cứu hộ hoặc người nhà có thể trợ giúp kịp thời. 

Các bạn trong nhóm nghiên cứu chia sẻ họ kỳ vọng loại áo phao mới có thể góp phần thay đổi nhận thức của ngư dân về những chiếc áo phao truyền thống. 

Đối tượng quan trọng nhất của sản phẩm hiện tại là ngư dân. Bên cạnh đó, chiếc áo còn hướng tới những người hoạt động trên biển, sông, hồ, suối... trong lĩnh vực du lịch, vận tải, cứu hộ lũ lụt...

Sinh viên chế tạo áo phao công nghệ cho ngư dân  - Ảnh 4.

Dự án đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên Đà Nẵng năm 2021. Ảnh: VGP/Minh Trang

TS. Nguyễn Thị Anh Thư, giảng viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đánh giá cao khả năng sáng tạo, tìm tòi, cải tiến của nhóm sinh viên nói trên và cho biết sản phẩm áo khoác kiêm áo phao cứu sinh sẽ có rất nhiều tiềm năng ứng dụng. Qua đó nâng cao ý thức của ngư dân về bảo vệ tính mạng, sức khỏe khi ra khơi và phòng tránh những tai nạn đáng tiếc.

Với tính năng và sự ứng dụng cao vào thực tế, sản phẩm "Áo khoác công nghệ sCoat" của nhóm đã giành giải Nhất cuộc thi "Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng" dành cho sinh viên các trường kỹ thuật công nghệ toàn quốc; đạt giải Nhất cuộc thi "Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên" năm 2021 do Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cùng với Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Minh Trang