In bài viết

Sinh viên Đề án 607 có được phong quân hàm?

(Chinhphu.vn) - Năm 2020, ông Phạm Văn Lực (Bình Dương) hoàn thành chương trình Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng an ninh, khóa 1, thuộc trường Đại học Ngô Quyền và cũng đã được Đại học Ngô Quyền cấp bằng Cử nhân Giáo dục quốc phòng an ninh, kết quả xếp loại khá.

07/12/2020 08:02

Theo Quyết định số 607/QĐ-TTg, ở Mục 3 của Phần 2. Nhiệm vụ và giải pháp về chế độ chính sách đối với người học thì học viên tốt nghiệp được phong quân hàm sĩ quan dự bị. Cũng trong Điều 2 của Quyết định này có nêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc xét phong quân hàm sĩ quan dự bị cho sinh viên tốt nghiệp hằng năm theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, ông Lực vẫn chưa nhận được thông báo về việc Quyết định phong quân hàm sĩ quan dự bị. Ông hỏi, trường hợp của ông có được phong quân hàm không? Ông đã liên hệ với Trường Đại học Ngô Quyền nhưng vẫn chưa nhận thông tin trả lời chính thức.

Hiện tại, ở địa phương nơi ông Lực đang sinh sống gọi ông đi khám tuyển để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vậy, ông có phải đi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi của địa phương nữa hay không?

Về vấn đề này, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu trả lời như sau:

Chưa xem xét phong quân hàm sĩ quan dự bị đối với sinh viên Đề án 607

Ngày 24/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 607/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2010” (gọi tắt là Đề án 607).

Theo đó, mục tiêu của Đề án 607, đến năm 2020 (năm kết thúc đề án) bảo đảm đào tạo đáp ứng 90% nhu cầu giáo viên và 70% nhu cầu giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh giảng dạy ở các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học.

Về chế độ chính sách theo quy định tại Đề án 607, quá trình học tập tại trường, sinh viên được thụ hưởng tiêu chuẩn như một học viên đào tạo sĩ quan lục quân tại trường Quân đội. Học viên tốt nghiệp bao gồm cả nữ, nếu có đủ tiêu chuẩn sức khỏe và tình nguyện đăng ký, được xét phong quân hàm sĩ quan dự bị theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; được ưu tiên tuyển dụng làm giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh tại các trường.

Đối tượng, điều kiện xét phong quân hàm sĩ quan dự bị được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 78/2020/NĐ-CP ngày 6/7/2020 về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam: “Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, học viên tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm Thiếu úy sĩ quan dự bị”.

Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 78/2020/NĐ-CP: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ; hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên; sinh viên khi tốt nghiệp đại học.

Căn cứ nhu cầu biên chế các đơn vị dự bị động viên theo từng quân, binh chủng, ngành, hàng năm, Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao chỉ tiêu đào tạo, phong quân hàm sĩ quan dự bị; đối tượng chủ yếu tuyển chọn từ hạ sĩ quan chỉ huy hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ, được đào tạo, trải qua thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại các đơn vị thường trực; ngoài ra, tuyển chọn một số cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên khi tốt nghiệp đại học có ngành nghề chuyên môn cần cho Quân đội hoặc Quân đội chưa đào tạo được để đào tạo sĩ quan dự bị, phù hợp với nhu cầu tổ chức biên chế trong các đơn vị dự bị động viên.

Từ những căn cứ trên, những năm qua, Bộ Quốc phòng chưa xem xét phong quân hàm sĩ quan dự bị đối với sinh viên tốt nghiệp đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đề án 607 (1.036 sinh viên đã tốt nghiệp, 597 sinh viên đang đào tạo) trong đó có ông Phạm Văn Lực.

Thời hạn tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

Theo phản ánh, ngày 2/7/2020, ông Phạm Văn Lực đã nhận Bằng tốt nghiệp cử nhân Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường Đại học Ngô Quyền và chưa được xem xét phong quân hàm sĩ quan dự bị, nên chưa được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Thời hạn tạm hoãn nghĩa vụ quân sự tại ngũ theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đối với ông Phạm Văn Lực đã hết tính từ ngày tốt nghiệp, do vậy nếu còn trong độ tuổi gọi nhập ngũ (27 tuổi), địa phương có Lệnh gọi ông Lực khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự là đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

Chinhphu.vn