In bài viết

Sinh viên học ngành bán dẫn được đề xuất miễn, giảm học phí

(Chinhphu.vn) - Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn.

14/12/2024 13:15
Sinh viên học ngành bán dẫn được đề xuất miễn, giảm học phí- Ảnh 1.

Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin như trên tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thời gian qua, Bộ GD&ĐT, các trường đại học đã chủ động vào cuộc, tích cực triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Từ giữa năm 2024, đã tuyển sinh, bắt đầu đào tạo khoảng 18.000 sinh viên cho ngành này và kế hoạch năm sau có thể tuyển sinh, đào tạo nhiều hơn nữa.

"Các trường đại học, cả khối trường công và tư đều đang rất tích cực tham gia, nhiều trường chủ động đầu tư phòng thí nghiệm, trang thiết bị, thu hút chuyên gia và giảng viên", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đang khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về vi mạch bán dẫn để hoàn thành trong quý I/2025 như kế hoạch được giao. Đồng thời đẩy mạnh và hỗ trợ các trường phổ thông triển khai có hiệu quả giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), lan tỏa và khuyến khích học sinh, sinh viên theo học STEM, làm nền tảng cho nguồn nhân lực các ngành công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn trong tương lai.

Đặc biệt, mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch 1758 triển khai hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định số 1018 phê duyệt "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050" và Quyết định số 1017 phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Theo đó, trong năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước. Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Bộ Tài chính ủng hộ, tạo điều kiện cho chính sách trên.

Ngoài ra, trong quá trình thu hút đầu tư, cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể cung cấp thông tin cụ thể hơn về cơ cấu, thành phần, số lượng nhân lực cho các lĩnh vực của ngành này để các trường đại học có thể đào tạo sát hơn với thực tiễn.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, một vấn đề 'nóng' hiện nay đó là việc đầu tư phòng thí nghiệm tại các trường đại học.

"Tuyển sinh rồi nhưng chưa có trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Đề án được duyệt nhưng không thể mua ngay như hàng tiêu dùng mà phải đặt hàng. Đào tạo 2-3 năm mà chưa có phòng thí nghiệm thì cũng là vấn đề đáng lo", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Sinh viên học ngành bán dẫn được đề xuất miễn, giảm học phí- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xây dựng cơ chế chia sẻ, dùng chung phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu

Cũng tại Phiên họp, liên quan đến nhiệm vụ của Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN đang nghiên cứu để hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển vi mạch điện tử trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030. 

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các Đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", "Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước", trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tiếp nhận công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch, triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Bộ KH&CN đã phê duyệt một số nhiệm vụ KH&CN trong các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Chương trình KH&CN theo Nghị định thư và các nhiệm vụ thuộc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Qua các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước nâng cao năng lực, làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch, bước đầu phát triển mối liên kết giữa các Viện/trường với Doanh nghiệp trong nghiên cứu về thiết kế vi mạch.

Tuy nhiên, hoạt động thiết kế vi mạch bán dẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Các nghiên cứu thiết kế vi mạch hiện nay tại các cơ sở nghiên cứu đang còn thiếu cả nguồn lực con người, các công cụ, phần mềm thiết kế. 

Việc hỗ trợ của nhà nước thông qua các nhiệm vụ KH&CN còn hạn chế về quy mô, chủ yếu nhằm nâng cao năng lực, tạo dựng nền tảng trong thiết kế vi mạch cho các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu, chưa thực sự tạo ra được các sản phẩm có tính thương mại.

Trong quá trình nghiên cứu thiết kế vi mạch, các nhà khoa học cần kiểm tra, thử nghiệm đều phải gửi ra nước ngoài để thuê sản xuất, do đó sẽ tốn kém cả tài chính và thời gian. Chưa có phòng chế tạo vi mạch cỡ nhỏ (Minimal Fab) hỗ trợ các nhà nghiên cứu.

Hiện tại, mới chỉ có các doanh nghiệp làm thiết kế và các doanh nghiệp kiểm thử, đóng gói sản phẩm; chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn với quy mô công nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam, chưa nhiều cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về vi mạch, thiết kế vi mạch.

Để đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vi mạch bán dẫn trong thời gian tới, Bộ KH&CN đề xuất cần nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cùng chia sẻ, dùng chung một số cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu; nghiên cứu bổ sung hạng mục chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, chế tạo, sản xuất sản phẩm bán dẫn, thiết bị điện tử dân dụng, chuyên dụng thế hệ mới của Việt Nam từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Bên cạnh đó nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực vực bán dẫn của các các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp thông qua việc ưu tiên hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN các cấp; tập trung bố trí nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển thiết bị điện tử với trọng tâm là các thiết bị điện tử thế hệ mới tích hợp các chip chuyên dụng, chip AI.

Thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tăng cường gắn kết đào tạo nhân lực trình độ đại học, sau đại học với hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

Tăng cường chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài phục vụ thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn. Đồng thời, sớm xây dựng/ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bán dẫn...

Hoàng Giang