In bài viết

Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú

(Chinhphu.vn) - Ông Vũ Hải An hỏi: Tôi đứng tên chủ hộ khẩu gia đình và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở tại quận Long Biên, TP. Hà Nội. Nay tôi muốn cho chị gái nhập vào hộ khẩu gia đình thì có ảnh hưởng gì đến quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của tôi không?

14/05/2013 09:11

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 688 Bộ Luật Dân sự quy định: Quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình được xác lập do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình cũng được xác lập do được người khác chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Theo khoản 4 và khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai, việc nhận chuyển quyền sử dụng đất là việc xác lập quyền sử dụng đất do được người khác chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Tại khoản 2  Điều 10; điểm b khoản 1 Điều 11 và khoản 2 Điều 12 Luật Nhà ở quy định: 

- Cá nhân có nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua việc đầu tư xây dựng, mua bán, tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

- Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

- Nhà ở thuộc sở hữu của một cá nhân thì ghi tên người đó. 

Quy định về nơi thường trú

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 20 và khoản 1 Điều 24 Luật cư trú:

- Nhà ở mà công dân sử dụng để cư trú là chỗ ở hợp pháp. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

- Công dân có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

- Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Căn cứ các quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở và pháp luật về cư trú nêu trên, trường hợp ông Vũ Hải An đã xác lập quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở, đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở, ghi tên cá nhân ông là chủ sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở trên giấy chứng nhận đó. Như vậy ông An đã được Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở hợp pháp của ông.

Việc ông An đồng ý cho chị gái ông đăng ký nhân khẩu thường trú tại nhà ở thuộc quyền sở hữu của ông, là việc đăng ký với cơ quan nhà nước chỗ ở thường xuyên của chị gái ông theo quy định của pháp luật về cư trú, không ảnh hưởng gì đến quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở của ông An.

Tên chị  gái ông An ghi trong Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của chị gái ông, không phải là căn cứ xác lập hay xác định quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại nơi đăng ký thường trú.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.