Đổi mới giải quyết TTHC sẽ theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước |
Ngày 27/3/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đề án có mục tiêu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Mục tiêu cụ thể Đề án đặt ra là phấn đấu năm 2021, hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 40%, 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công.
Đến năm 2022, tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó), mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu.
Từ năm 2023-2025, giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 95% vào năm 2025.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho biết, trong quá trình xây dựng Đề án, thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng Đề án theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đề án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở nghiên cứu đánh giá thực trạng, có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương để cụ thể hóa những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước theo đúng quy định.
Đề án vừa được ban hành theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành là một trong những nhiệm vụ cụ thể hóa các khâu đột phá chiến lược được nêu trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã nêu về yêu cầu đẩy mạnh thực hiện “chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số”.
Theo đó, việc gắn kết, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là một yêu cầu quan trọng, cần thực hiện ngay.
“Trên cơ sở phương án đổi mới, theo tính toán sơ bộ thì tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới dự tính vào khoảng trên 10.600 tỷ đồng/năm”, ông Ngô Hải Phan cho biết
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ). Ảnh: VGP |
Theo ông Ngô Hải Phan, đến nay, có 59 địa phương tổ chức Trung tâm hành chính công; 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương tỉ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.
Tuy nhiên, so với yêu cầu về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện, sâu rộng của Đảng, Chính phủ thì việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC hiện nay còn có một số hạn chế.
Hạn chế đầu tiên là việc tiếp nhận, giải quyết TTHC vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống, hồ sơ giấy.
“Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhất là tại các địa phương tỉ lệ hồ sơ giấy chiếm 93,7%; hồ sơ điện tử 6,3%”, ông Ngô Hải Phan cho biết.
Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC vẫn trên cơ sở hồ sơ giấy dẫn đến khó kiểm soát, đánh giá, dễ phát sinh tiêu cực; đồng thời, khó tạo dựng, duy trì, phát triển được các cơ sở dữ liệu do thông tin, kết quả thực hiện TTHC vừa là đầu vào, đầu ra, vừa giúp chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu trên các cơ sở dữ liệu.
Bên cạnh đó, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện TTHC tại các Bộ phận một cửa các cấp trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống một cửa điện tử để sử dụng lại các hồ sơ, giấy tờ điện tử, giảm các thủ tục kiểm tra, xác nhận… chưa được thực hiện. Điều này dẫn đến vừa không phát huy được hiệu quả của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, mà còn không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Nội dung công việc, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong việc tham gia vào quá trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC chưa được làm rõ; chưa có quy định về lưu trữ điện tử đối với hồ sơ TTHC dẫn đến việc lúng túng, thiếu thống nhất, chậm trễ trong thực hiện số hóa.
Trong hơn 1 năm qua, qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC (kể cả hồ sơ nộp trực tiếp) theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính đã được triển khai ở một số lĩnh vực có cơ sở dữ liệu tập trung tiêu biểu như: Nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thí điểm tại 5 địa phương là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận); Nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy (thí điểm tại Hà Nội và TPHCM); Nộp thuế cá nhân; Nộp thuế doanh nghiệp…
Theo ông Ngô Hải Phan, cải cách thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia có hiệu quả rất lớn đối với xã hội nên cần nghiên cứu mở rộng, nhất là khi triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin được đưa vào vận hành và có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau.
Bên cạnh đó, việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được triển khai, tuy nhiên chưa hình thành được cơ chế giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC đồng bộ theo thời gian thực từ hệ thống một cửa các cấp dẫn đến chưa thật sự kịp thời cung cấp thông tin cho chỉ đạo, điều hành, nhất là xử lý kịp thời hạn chế, bất cập, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Chính vì vậy, việc ban hành và triển khai thực hiện “Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC” sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia là cần thiết.
Quyết tâm mạnh mẽ để cải cách
Theo ông Ngô Hải Phan, Quyết định số 468/QĐ-TTg vừa ban hành là bước cụ thể hóa tư tưởng của Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Nghị quyết 68/NQ-CP là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, được ví như là “làn sóng” cải cách thứ 3 tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Quyết định số 468/QĐ-TTg đã cụ thể hóa tư tưởng của Nghị quyết 68/NQ-CP để thúc đẩy chuyển đổi số tại các điểm một cửa, một cửa liên thông theo hướng chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, góp phần ngăn chặn tham nhũng vặt, qua đó thúc đẩy và cải thiện môi trường kinh doanh. Ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Mục tiêu của Chương trình là trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/05/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020).
Chương trình cải cách không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với tất cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản đang có hiệu lực thi hành mà cải cách toàn diện cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành (bao gồm quy định TTHC, về yêu cầu, điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh, về chế độ báo cáo, về tiêu chuẩn, quy chuẩn và về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu).
Theo ông Ngô Hải Phan, Chương trình kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các văn bản quy định ngay từ trong dự thảo để tránh tình trạng cắt giảm được văn bản này lại nảy sinh văn bản khác.
“Bên cạnh đó, Chương trình còn cải cách ở khâu tổ chức thực hiện là khâu yếu nhất hiện nay, như vậy cải cách mới mang tính bền vững”, ông Ngô Hải Phan cho biết, không chỉ cải cách ở khâu xây dựng, ban hành các VBQPPL có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mà tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định này trên thực tế thông qua đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.
Những cải cách được nêu trong Quyết định số 468/QĐ-TTg vừa ban hành và Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ rất tổng thể và toàn diện. Để triển khai Nghị quyết rất cần các bộ ngành, cơ quan phải cùng đồng tốc và tăng tốc và cần các cán bộ làm công tác cải TTHC nhiệt huyết với công tác cải cách.
Thời gian tới, Cục Kiểm soát TTHC sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các chương trình quán triệt, hướng dẫn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ tại các bộ, ngành, địa phương có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, tầm nhìn phù hợp với xu thế hiện đại và đặc biệt là để đóng góp vào sự thành công của “làn sóng” cải cách mới này.
Gia Huy