|
Đồng Nai nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối giao thông của khu vực với rất nhiều dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị lớn với nhiều thành phần kinh tế làm chủ đầu tư. Khối lượng công việc bồi thường, giải phóng mặt bằng rất lớn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, các ngành và các cấp chính quyền, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã giải phóng mặt bằng được hơn 4.500ha đất sạch để thực hiện 412 dự án, góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh... Đó là những đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kể từ khi thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Đồng Nai.
Tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các ngành tổ chức triển khai một cách nghiêm túc, sâu rộng và đồng bộ, qua đó đã tác động trực tiếp và giúp cho các ngành, các cấp, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp và người dân trong việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được hình thành và dần đi vào hoạt động ổn định. Nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được quy định cụ thể; trình tự thủ tục và các chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư được quy định khá rõ ràng, công khai, minh bạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Nhiều chính sách hỗ trợ mới
Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy và các chính sách hỗ trợ theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định quy định đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh như : Hỗ trợ di chuyển; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm; hỗ trợ dịch vụ y tế cho người bị thu hồi đất; chính sách miễn, giảm học phí cho con em nhân dân thuộc diện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chăm lo đời sống nhân dân thuộc diện thu hồi đất; chính sách khuyến công tại các khu tái định cư trên địa bàn huyện Long Thành và tại các địa phương khác. Thông qua các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mới làm cho quyền lợi của người bị thu hồi đất ngày càng được đảm bảo, đặc biệt các đối tượng bị thu hồi đất ở vùng sâu, vùng xa, vùng đời sống còn nhiều khó khăn khi bị Nhà nước thu hồi đất, những đối tượng bị thu hồi đất là hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Khu tái định cư có hạ tầng tốt hơn
Ông Võ Văn Chánh, Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Theo hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của tỉnh Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 56/2009/NQ-CP ngày 27/11/2009 thì tổng diện tích đất bố trí dành cho mục đích tái định cư trên địa bàn toàn tỉnh là 1.803,89 ha với tổng số 63 dự án. Tính từ năm 2007 đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã thực hiện giao đất được 66,12 ha (8 dự án), đang thực hiện thu hồi 278,74 ha (10 dự án) để giải phóng mặt bằng, đã giới thiệu địa điểm được 935,91 ha (13 dự án).
Như vậy tính từ năm 2007 đến hết năm 2010 đã thực hiện các thủ tục để đưa các dự án tái định cư vào triển khai thực hiện đạt tỷ lệ 71 % về diện tích. Phần diện tích còn lại, tiếp tục chuyển sang kế hoạch sử dụng đất cho giai đoạn 2011 - 2020. Ngoài ra, trong kỳ quy hoạch sử dụng đất cho giai đoạn tới, căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất và kế hoạch triển khai các dự án trọng điểm, dự kiến sẽ cân đối và bổ sung thêm khoảng 479,68 ha với 39 dự án vào quy hoạch sử dụng đất để trình duyệt và đưa diện tích trên vào triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tái định cư để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo dành nhiều diện tích đất tại các khu dân cư, khu đô thị do các doanh nghiệp là chủ đầu tư để bố trí tái định cư cho dân. Tiêu chuẩn xét tái định cư đối với người bị thu hồi đất do UBND tỉnh ban hành được xây dựng thông thoáng hơn, mở rộng hơn đặc biệt là các đối tượng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nhưng không vi phạm quy hoạch và xây dựng trước ngày 01/7/2004, việc bố trí chỗ ở cho các đối tượng xây dựng nhà ở nhưng không đủ tiêu chuẩn giải quyết tái định cư.
Nhìn chung việc quy hoạch các khu tái định cư đã được các ngành, các địa phương tính toán, đưa vào quy hoạch sử dụng đất trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cơ bản đáp ứng nhu cầu bố trí tái định cư. Đa số các khu tái định cư đã được xây dựng hoàn chỉnh có cơ sở hạ tầng tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ, tạo được sự đồng thuận của một bộ phận người dân bị thu hồi đất.
Những vấn đề còn tồn tại
Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh cũng còn bộc lộ những tồn tại, yếu kém, bất cập làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể như : Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ khi khởi đầu dự án đến khi giải phóng mặt bằng xong (thỏa thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch, duyệt dự án đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng...) thường kéo dài nhiều năm, chịu sự chi phối bởi các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện việc lập, thẩm định phương án bồi thường còn kéo dài do việc thực hiện chưa đồng bộ, còn manh mún và thường chia thành nhiều đợt đối với từng dự án. Việc xây dựng các khu tái định cư còn chậm và bị động, không đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều, tại một số dự án có nguy cơ trở thành điểm nóng...
Tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa
Qua sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TU của Tỉnh ủy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao trách nhiệm cụ thể cho thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương. Theo đó, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan, các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh để sửa đổi, bổ sung các quy định của UBND tỉnh về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Các quyết định số 20/2010/QĐ - UBND và số 21/2010/QĐ - UBND ngày05/4/2010 ; Quyết định số 32/2008/QĐ - UBND ngày 17/4/2008 của của UBND tỉnh về việc giới thiệu địa điểm cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó lưu ý việc UBND tỉnh sẽ phân cấp cho UBND cấp huyện thỏa thuận địa điểm để lập thủ tục đầu tư, thẩm định và phê duyệt tất cả các khu tái định cư trên địa bàn không phân biệt quy mô diện tích trên cơ sở các khu tái định cư phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (trừ trường hợp khu tái định cư nằm trên địa bàn hai huyện trở lên); tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa về việc thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho UBND cấp huyện đối với các dự án đầu tư khác; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về quy chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong việc lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chủ động khắc phục những tồn tại, yếu kém trong việc đo đạc, lập, quản lý hồ sơ địa chính...
Đồng Nai còn kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương có cơ chế, chính sách bố trí vốn để đầu tư xây dựng các khu tái định cư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, là đầu mối giao thông của khu vực; kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng chính sách pháp luật mà tỉnh Đồng Nai đang gặp phải.
Tú Nguyễn